Trăn trở giữ nghề lưỡi câu Mỹ Hòa

Vùng châu thổ sông Cửu Long có nhiều nơi làm lưỡi câu, nhưng nổi danh nhất vẫn là làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa ở phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nhiều loại lưỡi câu từ làng nghề này đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan. Theo thời gian, bao điều trăn trở cũng hiện hữu ở làng nghề này…
0:00 / 0:00
0:00
Chế tác lưỡi câu tại làng nghề Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Chế tác lưỡi câu tại làng nghề Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Làm lưỡi câu gắn liền với con nước. Có nước là có cá, lúc này khô hạn cho nên lượng cá sông, cá đồng giảm nhiều. Tuy vậy, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa vẫn luôn hoạt động. Ở xóm lưỡi câu này sáng chiều vẫn vang lên âm thanh của tiếng máy mài giũa, tiếng máy cán thép, tiếng búa dập lưỡi câu. Làng nghề vẫn êm ả bên bờ sông Long Xuyên nhưng khác đi là lớp thợ ngày nay đều đã lớn tuổi.

Ông Nguyễn Ngọc Xu, 67 tuổ kể, ông làm nghề này từ lúc 20 tuổi. Theo ông Xu, để làm ra một chiếc lưỡi câu phải qua nhiều công đoạn. Ông chọn công việc cán thép hay inox đã được cắt thành từng đoạn nhỏ về dập, cán cho thẳng để chuyển cho thợ mài mũi câu. Một ngày, ông có thể cán một muôn (một ngàn chiếc), ăn tiền công từ vài chục đến một trăm ngàn đồng.

Khi ông Xu còn nhỏ thì nghề lưỡi câu đã có. Lúc đó chỉ vài hộ làm lưỡi câu, sau này, ngày càng mở rộng. Ngày trước, việc chế tác lưỡi câu hoàn toàn thủ công, cả xóm luôn rộn tiếng búa nện, tiếng mài giũa lưỡi câu. Lúc cao điểm, làng nghề có hơn hàng trăm cơ sở, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động...

Lưỡi câu Mỹ Hòa có khoảng 50 chủng loại để câu cá sông, cá đồng, tôm, ếch, rắn và cả một số loại cá biển. Từ Mỹ Hòa, lưỡi câu xuất đi các tỉnh miền trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sang cả Campuchia, Thái Lan. Nhờ vậy, dù khô hạn, lượng thủy sản giảm đi nhưng làng nghề vẫn hoạt động, không bị đứt đoạn. Lưỡi câu Mỹ Hòa nổi tiếng nhờ độ sắc nhọn và rất “sát cá” (từ dùng trong nghề chỉ việc thả câu là dính cá và lưỡi câu vẫn luôn bén ngọt theo thời gian). Để làm ra được những chiếc lưỡi câu như vậy phải có thợ giỏi. Ông Nguyễn Phúc Tấn là một trong số thợ đó.

Ông Tấn năm nay 60 tuổi, sinh ra trong xóm lưỡi câu cho nên mới 15 tuổi ông đã theo nghề. Ông Tấn tự hào vì nghề làm lưỡi câu có ích cho đời. Nghề này dù không giúp ông giàu có nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc, nuôi dạy đàn con cháu nên người, do vậy, ông luôn tận tâm xem như báo ơn “tổ nghề”. Để có được lưỡi câu sắc bén, sát cá tùy thuộc vào tay nghề mài mũi lưỡi câu. Người thợ giỏi dùng kỹ thuật đo miệng cá lớn hay nhỏ mà uốn lưỡi câu...

Thực tế nhiều năm qua, các thợ có tay nghề giỏi và yêu nghề vắng dần, lớp thợ trẻ thì ít ai chịu gò lưng ngồi một chỗ như thế hệ cha ông. Từ một làng nghề nổi danh nay chỉ còn sự gắn bó của những người cao tuổi là dấu hiệu buồn. Nghề chế tác lưỡi câu gắn bó theo con nước.

Ngày xưa, khi mùa nước nổi tràn đồng, đầy ắp các kênh, rạch mang theo vô số cá, tôm, làng nghề phải tất bật ngày đêm mới sản xuất đủ lưỡi câu cho thị trường. Nhưng rồi, mùa nước nổi ngày càng bất thường, nước nhỏ cho nên lượng cá cũng ít đi. Những người thợ như ông Tấn, ngày xưa nhìn con nước mà đoán định cho mùa làm ăn, nhưng từ năm 2010 trở về sau, nhìn con nước không ai dám quả quyết điều gì...

Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Xóm lưỡi câu đón nhận thông tin này trong vui buồn lẫn lộn về một thời vàng son. Theo Nghiệp đoàn Sản xuất lưỡi câu phường Mỹ Hòa, năm 2002, làng nghề có hơn 170 cơ sở sản xuất, giờ chỉ còn vài chục cơ sở.

Nhiều chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu ở Mỹ Hòa cho biết, trước đây sản xuất thủ công cho nên sản phẩm chưa nhiều, sau này nhờ máy móc hỗ trợ, năng suất tăng cao. Nhưng niềm vui không được bao lâu thì cá ngày càng ít đi, rồi đánh bắt bằng xung điện làm nguồn cá, tôm tự nhiên càng giảm, tác động tiêu cực đến nghề làm lưỡi câu. Hồi trước, lúc cao điểm, mỗi ngày cả làng nghề tiêu thụ hàng chục tấn, còn bây giờ, mỗi tháng chỉ tiêu thụ được vài tấn lưỡi câu. Dù sao, không ít người vẫn cố giữ “lửa” nghề…