Độc đáo bánh bò người Chăm An Giang

Bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô là món ăn nổi tiếng của người Chăm tỉnh An Giang. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân làm bánh Rofiah, hương vị độc đáo của bánh bò Ha Cô càng bay xa.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tìm hiểu cách nướng bánh bò.
Du khách tìm hiểu cách nướng bánh bò.

An Giang có ba loại bánh bò nổi tiếng là bánh bò Tân Châu của ông Út Dứt, bánh bò thốt nốt của đồng bào dân tộc Khmer và bánh bò Ha Cô của người Chăm. Các đặc sản này đã làm phong phú, tạo thêm thương hiệu cho món ăn đa dạng của tỉnh.

Tại An Giang, người Chăm sống tập trung ở huyện An Phú và xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Bánh bò Ha Cô bán quanh năm, nổi bật nhất là sạp bánh bò của nghệ nhân Rofiah luôn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm món ăn độc đáo này. Tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 9 năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức, món bánh bò Ha Cô và bánh Namparang của nghệ nhân Rofiah đã xuất sắc đạt Huy chương vàng.

Nghệ nhân Rofiah chia sẻ, nguyên liệu chính làm nên món bánh bò trứ danh này gồm trái thốt nốt già, bột gạo, nước cốt dừa, đường... Làm bánh bò Ha Cô không khó nhưng để làm ra chiếc bánh đẹp không dễ dàng bởi nó còn tùy thuộc độ khéo tay của người nấu. Để có chiếc bánh ngon đạt chuẩn, phụ nữ Chăm chọn mua gạo sóc của đồng bào dân tộc Khmer trồng tại vùng núi Thất Sơn, tỉnh An Giang. Gạo đem ngâm nước cho mềm rồi xay nhuyễn thành bột gạo đem ủ hỗn hợp với đường, nước từ thịt trái thốt nốt.

Thời gian ủ từ sáu giờ trở lên thì bánh mới có độ phồng và độ xốp. Người ta dùng chảo nhỏ nướng bánh, canh lửa than và đổ đủ lượng bột vào chảo, trong khi nướng không lật bánh lại. Để bánh chín vàng đều hai mặt, họ lấy nắp chảo hơ nóng trên bếp củi rồi đậy lên chảo bánh. Một cái bánh bò đẹp phải chín vàng, nổi phồng lên, còn bánh bị khét hoặc canh lửa chưa chuẩn nên bánh chưa chín phần trong thì xem như thất bại.

Bánh bò Ha Cô là món ăn truyền thống của người Chăm, được sử dụng phổ biến trong các dịp lễ hội, đám cưới, ăn hỏi của người Chăm, nhưng gần đây thành món ăn phổ biến rộng ra bên ngoài. Đến đây, xem nghệ nhân Rofiah và các phụ nữ Chăm làm bánh với nụ cười tươi luôn nở trên môi, du khách sẽ khó quên nét đẹp văn hóa ẩm thực của làng Chăm Châu Phong. Nghệ nhân Rofiah tâm sự, bà gắn liền với nghề làm bánh bò và làm bánh truyền thống của người Chăm đã hơn 20 năm.

Gọi là sạp bánh bò nhưng thật ra chỉ là cái sạp nhỏ bên lề đường, vài cái bàn ghế cho khách ngồi ăn tại chỗ hay chờ lấy bánh. Mấy năm qua, mỗi buổi sáng, sạp lúc nào cũng đông khách đến mua, nụ cười hài lòng của khách đã truyền thêm lửa nghề cho nghệ nhân Rofiah. Vào những dịp lễ, hội trong và ngoài tỉnh, bà thường được mời đi các nơi trổ tài nướng bánh. Nếu ai tò mò muốn tự tay làm chiếc bánh bò Ha Cô thì bà luôn hết lòng hướng dẫn cách nướng bánh và làm thế nào để nướng được chiếc bánh ngon.

Cầm chiếc bánh bò nóng hổi trên tay, ông Nguyễn Văn Nghỉ ở huyện Chợ Mới, An Giang chia sẻ: “Tôi biết món bánh bò Ha Cô là món ăn truyền thống của người Chăm ở An Giang, nhưng chưa có dịp nếm thử. Hôm nay, tận mắt nhìn bà Rofiah chế biến, nhìn mầu vàng óng của bánh, mùi thơm dịu tỏa ra thật là rất hấp dẫn”.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu chia sẻ, bánh bò Ha Cô có tên trong cẩm nang du lịch của tỉnh. Gần đây, các đoàn du khách trong và ngoài nước đến làng Chăm Châu Phong tham quan đã rất chú ý và thú vị với món bánh bò Ha Cô của nghệ nhân Rofiah cũng như các phụ nữ Chăm khác.

Bánh bò Ha Cô đáp ứng các tiêu chí như sạch, mẫu đẹp, hương thơm, ngon, bổ, rẻ. Theo ông Hiếu, quan trọng nhất là người làm bánh luôn cởi mở, thân thiện dù khách có mua bánh hay không. Chính tính cách văn hóa sông nước ấy đã níu chân du khách tìm về bánh bò Ha Cô mỗi khi có dịp đến nơi này.