Điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Ngày 4/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án tuyến 2) và thông qua Văn kiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” (Dự án HTKT tuyến 3.2).
0:00 / 0:00
0:00
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang từng bước phát huy hiệu quả.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang từng bước phát huy hiệu quả.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Nội điều chỉnh thời gian hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành của Dự án tuyến 2 đến năm 2029 và thêm hai năm sau đó dành cho công tác đào tạo vận hành, bảo dưỡng.

Điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 35.588 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Việc điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư đã được liên danh tư vấn Nhật Bản lập từ năm 2012 (tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 36.000 tỷ đồng), Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuê Liên danh tư vấn nước ngoài thẩm tra và có báo cáo thẩm định năm 2017, cập nhật năm 2021.

Theo báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 35.678 tỷ đồng.

Nguyên nhân điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư do thay đổi về quy mô đầu tư; thay đổi về tỷ giá quy đổi; do giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công, thay đổi chế độ chính sách tiền lương; thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư.

Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm thành phố.

Chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, với 10 vị trí nhà ga và 1 Depot đặt tại phường Xuân Đỉnh.

Từ năm 2015, Dự án gặp phải vướng mắc về vị trí nhà ga ngầm C9 - ga hồ Hoàn Kiếm. Cho đến năm 2022, vị trí ga C9 đã được Thường trực Chính phủ chấp thuận.

Sau khi được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo để sớm đưa Dự án vào triển khai.

Trong khi đó, việc thông qua Văn kiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai” có vai trò quan trọng trong công tác chuẩn bị đầu tư, để tuyến 3.2 có thể triển khai thi công xây dựng ngay sau khi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến 3.1) hoàn thành.

Qua đó góp phần hoàn chỉnh đầu tư xây dựng toàn tuyến đường sắt đô thị số 3, thúc đẩy kết nối vận chuyển hành khách từ phía tây đến phía nam Thủ đô thuận tiện, dễ dàng, giảm tải giao thông công cộng hiện có, giảm bớt phương tiện cá nhân vào khu vực nội đô, giảm phát thải CO2, bảo vệ môi trường..., từng bước hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Dự án HTKT tuyến 3.2 có tổng vốn 14.734.000 USD, sử dụng ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Âu (EU) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Mục tiêu chính của dự án bao gồm: Tiếp tục hỗ trợ thành phố Hà Nội, Chủ đầu tư hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến 3.2 cho đến khi Quốc hội phê duyệt chủ trương; hỗ trợ thành phố Hà Nội lập quy hoạch chi tiết, báo cáo Nghiên cứu khả thi trình phê duyệt Dự án; chuẩn bị đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu để các nhà tài trợ xem xét phê duyệt khoản vay thực hiện Dự án; hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị.