Điểm sáng về phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số

NDO - Với đặc thù có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, Tỉnh uỷ Kon Tum chú trọng tăng cường công tác phát triển đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Chi uỷ viên, trưởng thôn thôn Đắk Ga A Phương (bên trái) vận động bà con trong thôn xoá bỏ hủ tục lạc hậu.
Chi uỷ viên, trưởng thôn thôn Đắk Ga A Phương (bên trái) vận động bà con trong thôn xoá bỏ hủ tục lạc hậu.

Nhờ sự chú trọng công tác tạo nguồn phát triển đảng, chất lượng đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum ngày càng được nâng lên, đa số đảng viên có trình độ học vấn là trung học phổ thông, tỉ lệ đảng viên được đào tạo về chuyên môn ngày càng tăng, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu "xóa" thôn chưa có đảng viên và chưa có tổ chức đảng.

Huyện Sa Thầy có 57% số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Huyện ủy Sa Thầy đã chú trọng đến việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các quần chúng ưu tú trong từng thôn, làng.

Theo đó, 11 xã, thị trấn của huyện và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua tại thôn, làng. Qua phong trào, các tổ chức cơ sở đảng sẽ phát hiện, lựa chọn những đoàn viên, quần chúng điển hình để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng.

Tại Mô Rai, xã vùng biên giới của huyện Sa Thầy có hơn 1.500 hộ, trong đó hộ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%. Nhiều năm qua, các lớp đảng viên trẻ ở đây đều được rèn luyện, trưởng thành từ cơ sở. Theo đó, qua các phong trào của các tổ chức đoàn, hội, nhiều “hạt giống” tiêu biểu đã được giới thiệu vào Đảng.

Điểm sáng về phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ảnh 1

Đồng chí A Vớt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai (bên phải) trao đổi công việc với Bí thư Chi bộ làng Le A Thái.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai A Vớt cho biết: “Hạt giống” tốt là những cá nhân hoạt động tích cực, tiêu biểu trong thi đua sản xuất giỏi, tiên phong trong các phong trào ở thôn, làng, xã. Tích cực, nhiệt tình vận động, tuyên truyền bà con xoá bỏ các hủ tục như: xem bói, hạn chế tổ chức đám cưới, ma dài ngày.

Cùng đó, phong trào phát triển kinh tế đã triển khai sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Người dân Mô Rai đã biết trồng cao su, cây ăn quả, hưởng ứng mô hình nuôi bò sữa, góp phần tạo nên sự đa dạng trong phát triển kinh tế. Nhiều quần chúng tiêu biểu đã trải qua sự rèn luyện, trưởng thành để rồi được vinh dự giới thiệu vào Đảng như A Dim ở làng Kênh, A Khoát ở làng K Đinh, A Thái ở làng Le…

Còn tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, theo Bí thư Đảng ủy xã Hơ Moong Lê Khắc Tuấn, quần chúng là người đồng bào dân tộc thiểu số đã từng tham gia quân ngũ có định hướng rõ ràng, phù hợp sẽ được đưa đi cơ sở, nói rõ mục đích, yêu cầu để khi về thôn, làng sẽ phát huy tốt vai trò của mình. Với các em học sinh, xã sẽ chỉ đạo bí thư chi bộ thôn, làng, trường học đẩy mạnh hoạt động các phong trào có ý nghĩa của đoàn thanh niên, nhằm tạo cơ hội cho các bạn trẻ tham gia từ đó tìm ra những “hạt giống” để giúp đỡ, giới thiệu được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Tỉnh uỷ Kon Tum chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác tạo nguồn phát triển đảng là người dân tộc thiểu số hết sức được quan tâm, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.

Huyện biên giới Đắk Glei có 3 xã tiếp giáp với nước bạn Lào với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn huyện chiếm hơn 90% số dân, cho nên rất thuận lợi trong công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Glei đã ban hành kế hoạch hành động, thực hiện chỉ tiêu kết nạp mới trên 600 đảng viên; duy trì 100% chi bộ thôn, làng có đảng viên là người tại chỗ…

Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện uỷ Đắk Glei xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu kết nạp mới trong đó kết nạp đảng viên bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng, thực hiện đúng quy trình, thủ tục về công tác kết nạp đảng viên, góp phần tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở trong tình hình mới.

Xã miền núi, biên giới Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei có 40km đường biên với nước bạn Lào. Đảng uỷ xã có 11 chi bộ với 184 đảng viên thì có 156 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đắk Nhoong A Nang, cho biết: Bà con khi được kết nạp vào Đảng thì rất nghiêm túc trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn đấu phát triển kinh tế; đóng góp ý kiến xác đáng, tham gia phát biểu trong cuộc họp ở thôn làng…

Những đảng viên mới đều là những quần chúng rất tốt trong làng, có uy tín do người dân, các tổ chức mặt trận và đoàn thể giới thiệu, đề xuất đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thế nên việc được kết nạp vào Đảng đối với bà con nơi đây là việc trọng đại.

Điểm sáng về phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ảnh 2

Đảng viên được phát triển từ cơ sở ngày càng giúp cho bộ mặt xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy thay da đổi thịt.

Chi ủy viên, trưởng thôn thôn Đăk Ga, xã Đắk Nhoong A Cu, chia sẻ: Tôi rất vinh dự, tự hào khi được kết nạp vào Đảng năm 2016. Đến năm 2021, bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Tôi luôn phát huy tinh thần gương mẫu của người đảng viên, làm mẫu cho bà con cùng phát triển kinh tế, tuyên truyền cho bà con về Cuộc vận động “Thay đổi cách nghĩ, nếp làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo”. Hiện nay, trên địa bàn, các hủ tục lạc hậu đang dần bị xóa bỏ, nhân rộng các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Bà con trong thôn cùng đoàn kết, bảo vệ đường biên của Tổ quốc.

Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Đăk Glei A Phương, cho biết: Hiện nay Huyện ủy Đắk Glei đặc biệt chăm lo, củng cố và phát triển nguồn đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thôn, làng nhằm nâng cao tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn và trưởng các đoàn thể thôn làng là đảng viên. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên.