Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội xác định: bảo hiểm xã hội tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác.
Nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Mở rộng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khảo sát thực tiễn, tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp. Trong đó, có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo hiểm xã hội còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp.
Trong thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Do đó, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, dự thảo Luật quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con.
Mức trợ cấp này bằng mức mà ngân sách Nhà nước đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Chế độ trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất có 10 chương và 136 điều, tăng 1 chương và 11 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trong đó, nội dung về bảo hiểm xã hội tự nguyện được đề cập tới trong chương VI, gồm 22 điều.
Chế độ trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
>>>>> Xem thêm: Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động
Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện nay, người lao động tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thiệt thòi hơn lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, nhóm lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành được thụ hưởng 5 chế độ. Đó là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Theo thống kê, phụ nữ chiếm đa số với 60% dân số ở nhóm người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở phụ nữ vào khoảng 31,3% năm 2019. Xu hướng ngừng tham gia bảo hiểm xã hội ở nữ giới cũng diễn ra nhanh hơn nam giới.
Năm 2021, Việt Nam có 14,8 triệu lao động nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, chiếm 65% tổng số lao động nữ. Điều này cũng có nghĩa là họ không được tiếp cận với bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm thai sản.
Trên thực tế, chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những hệ thống tiến bộ nhất trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Cụ thể, lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nghỉ thai sản 6 tháng; nhận chế độ thai sản mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, nghỉ và trợ cấp thai sản có sự khác nhau đáng kể giữa các nhóm phụ nữ, tùy thuộc vào tình trạng công việc của họ.
Phụ nữ không thuộc phạm vi điều chính của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm cả lao động phi chính thức, không được tiếp cận với quyền lao động cơ bản và quan trọng này.
Nếu không có thu nhập thay thế thông qua trợ cấp tiền thai sản, việc phụ nữ phải nghỉ làm và chi tiêu gia tăng do mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em sẽ tạo nên gánh nặng về tài chính cho hầu hết các gia đình.
Lao động nữ làm việc ở khu vực phi chính thức không được tiếp cận với bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm thai sản.
Đồ họa: Phương Nam. |
Riêng với chế độ thai sản, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được nhận trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Cụ thể, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Cùng với đó, người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Mức hưởng chế độ thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ riêng trong năm 2022, đã có gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe trong nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam. |
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội nhân văn được áp dụng ở nước ta từ ngày 1/1/2008. Qua hơn 15 năm triển khai, chính sách đã có được những kết quả khả quan. Tính hết tháng 9 năm nay, số lao động tham gia chính sách này đạt khoảng 1,428 triệu người.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính hết tháng 9 năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 1,428 triệu người.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, một số nhóm đối tượng sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, mức hỗ cụ thể từ ngân sách là: 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của người tham gia nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính hết tháng 9 năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 1,428 triệu người.
Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực. Đó là: có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động, người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.
-----------------------------
Tổ chức sản xuất: NGỌC THANH - HỒNG VÂN
Nội dung: NGÂN ANH
Trình bày: PHƯƠNG NAM - XUÂN ANH