Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ tại Việt Nam

NDO - Sáng 18/10, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ tại Việt Nam" nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo "Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ tại Việt Nam".
Toàn cảnh hội thảo "Mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ tại Việt Nam".

Với gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu, Hội Phụ nữ các cấp, các tổ chức của Liên hợp quốc đã cùng thảo luận những cơ hội và thách thức trong việc mở rộng chế độ thai sản tại Việt Nam.

Việt Nam hiện là quốc gia có dân số với tốc độ già hóa đang diễn ra rất nhanh. Theo thống kê, phụ nữ chiếm đa số với 60% dân số ở nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi).

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở phụ nữ vào khoảng 31,3% năm 2019 và đang có xu hướng ngừng tham gia bảo hiểm xã hội diễn ra nhanh hơn nam giới.

Năm 2021, Việt Nam có 14,8 triệu lao động nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, chiếm 65% tổng số lao động nữ. Điều này cũng có nghĩa là họ không được tiếp cận với bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm thai sản.

Việt Nam hiện là quốc gia có dân số với tốc độ già hóa đang diễn ra rất nhanh. Theo thống kê, phụ nữ chiếm đa số với 60% dân số ở nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi).

Trên thực tế, chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những hệ thống hào phóng nhất trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng.

Tuy nhiên, nghỉ và trợ cấp thai sản có sự khác nhau đáng kể giữa các nhóm phụ nữ, tùy thuộc vào tình trạng công việc của họ.

Phụ nữ không thuộc phạm vi điều chính của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm cả lao động phi chính thức, không được tiếp cận với quyền lao động cơ bản và quan trọng này.

Nếu không có thu nhập thay thế thông qua trợ cấp tiền thai sản, việc phụ nữ phải nghỉ làm và chỉ tiêu gia tăng do mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em sẽ gây khó khăn về tài chính cho hầu hết các gia đình.

Tại hội thảo, bà Caroline Nyamaymombe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam nhấn mạnh: Khi đối mặt với nghèo đói hoặc khó khăn về tài chính, phụ nữ có thể không nghỉ thai sản hoặc đi làm lại sớm hơn so với thời gian được khuyến khích về mặt y tế.

Bằng cách giúp bảo vệ việc làm và bảo đảm thu nhập của phụ nữ trong và sau khi sinh con, bảo vệ thai sản bảo đảm rằng vai trò sinh sản của phụ nữ không làm tổn hại đến cơ hội bình đẳng cũng như an ninh kinh tế và gia đình của họ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của một số quốc gia trong việc mở rộng chế độ thai sản cho phụ nữ và đưa ra các đề xuất cụ thể.