Tiếp tục ở lại “lưới an sinh”
Theo Tổng cục Thống kê, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề thiếu đơn hàng diễn ra từ quý IV/2022 và kéo dài sang quý II/2023, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay khoảng 241,5 nghìn người, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài , chiếm tỷ lệ khoảng 84,1%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913,2 nghìn người. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2%.
Doanh nghiệp cắt giảm lao động khiến người lao động mất việc làm và không còn thuộc diện được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, do hiểu được tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, rất nhiều người lao động đã tiếp tục ở lại “lưới an sinh” bằng cách đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mỗi tháng, họ dành một khoản tiền nhỏ để tham gia bảo hiểm xã hội. Đổi lại, họ được yên tâm phần nào tuổi già nhờ có lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe…
Được triển khai từ năm 2008, sau 15 năm, bảo hiểm xã hội tự nguyện đã thể hiện là một chính sách có giá trị nhân văn, ưu việt và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 8/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong số này, khoảng gần 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Khi hết tuổi lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.
Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định hiện hành, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Từ ngày 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng, với thời gian hỗ trợ không quá 10 năm. Cụ thể là 30%, 25% và 10% của 22% mức thu nhập của hộ nghèo khu vực nông thôn lần lượt với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác.
Từ ngày 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng, với thời gian hỗ trợ không quá 10 năm. Cụ thể là 30%, 25% và 10% của 22% mức thu nhập của hộ nghèo khu vực nông thôn lần lượt với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng = 22% X mức thu nhập lựa chọn trừ đi mức hỗ trợ của Nhà nước.
Trong đó, mức thu nhập lựa chọn thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, mức thu nhập thấp nhất đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,5 triệu đồng.
Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay là 231.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ nghèo); 247.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ cận nghèo); 297.000 đồng/tháng (với đối tượng khác).
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, hiện nay, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các địa phương này sẽ thấp hơn trong thực tế.
Đồng thời, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Với mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng áp dụng từ ngày 1/7/2023, mức thu nhập tháng người tham gia lựa chọn để tính mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất là 36 triệu đồng/tháng.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp thu nhập của bản thân.
Cụ thể như: đóng định kỳ (hằng tháng; 3 tháng/6 tháng/12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay là 231.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ nghèo); 247.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ cận nghèo); 297.000 đồng/tháng (với đối tượng khác).