Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm tự nguyện chỉ bao gồm hai chế độ là hưu trí và tử tuất; không có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như bảo hiểm bắt buộc.
Việc bổ sung chế độ trợ cấp thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm thu hút sự tham gia của những người lao động không có quan hệ lao động, cũng như bảo đảm sự công bằng về chế độ thai sản giữa những lao động nữ làm việc ở các khu vực khác nhau: Chính thức và phi chính thức.
Dự thảo Luật mới chỉ bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động “không phải bổ sung thêm mức đóng” cho chế độ này. Có nghĩa là với mức đóng như cũ, người lao động chỉ phải đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, mà lại được hưởng thêm chế độ thai sản.
Đây chính là gia tăng quyền lợi cho người lao động, tạo sức hút tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo dự thảo quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng chế độ thai sản là hai triệu đồng cho một con mới sinh, nguồn chi do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Tại tọa đàm “Nghiên cứu mở rộng chế độ thai sản trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho biết lao động trong khu vực phi chính thức thường có thu nhập thấp và bấp bênh, do đó khi gặp rủi ro, họ không có chỗ dựa an sinh cần thiết.
Do vậy, Nhà nước cần có chính sách an sinh hợp lý dành cho đối tượng này. Báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong hai năm 2021-2022, Liên đoàn Lao động thành phố đã vận động được nguồn kinh phí để giúp 500 lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó, có hơn 230 nữ, nhiều người trong độ tuổi sinh sản, nuôi con nhỏ.
Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của đội ngũ cán bộ công đoàn là theo quy định hiện hành, lao động tự do khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.
Các ý kiến khác cho rằng, những phụ nữ khu vực phi chính thức, không có chế độ thai sản, buộc phải đi làm sớm để kiếm thêm thu nhập. Điều này không bảo đảm sức khỏe, an toàn cho cả mẹ và bé.
Từ đó, ảnh hưởng chất lượng dân số, chất lượng của lực lượng lao động trong tương lai. Bên cạnh đó, đời sống, thu nhập, việc làm khó khăn cũng khiến công nhân, lao động nói chung và lao động nữ không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế...
Các chuyên gia công đoàn cho rằng quyền lợi thai sản ở bảo hiểm xã hội tự nguyện cần dựa theo mức đóng, thời gian tham gia, không nên cố định 2 triệu đồng. Vì vậy, mức hưởng nên linh hoạt theo mức đóng, thời gian tham gia, bởi mức hưởng thỏa đáng sẽ giúp công tác vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia băn khoăn về tính hấp dẫn của quy định này. Theo quy định hiện hành, nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mức thấp nhất dựa trên chuẩn nghèo nông thôn hiện nay, người tham gia phải đóng 1,98 triệu đồng.
Nếu được Nhà nước hỗ trợ mức tối đa 30% theo đối tượng là hộ nghèo, tương đương 594 nghìn đồng, thì số tiền người tham gia phải đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là hơn 1,3 triệu đồng.
Như vậy, với mức hỗ trợ được đề xuất trong dự thảo, sau khi trừ kinh phí đã tham gia, số tiền thực chất người tham gia nhận được chỉ 614 nghìn đồng. Có thể thấy rõ, việc bổ sung quyền lợi thai sản là cần thiết nhưng chỉ tác động đến nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh con. Do đó, mục đích tăng tính hấp dẫn cho quy định này là chưa đạt.
Chế độ thai sản cần được nhìn nhận như một công cụ để bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và là biện pháp để bảo đảm dân số phát triển bền vững. Các chuyên gia cho rằng, để người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được bền vững, Nhà nước nên cân nhắc nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% với hộ nghèo, 25% lên 35% với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các nhóm còn lại.
Điều này có thể làm tăng ngân sách trước mắt, nhưng về lâu dài vẫn ít hơn số tiền Nhà nước dùng để chi trợ cấp xã hội cho người không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung chế độ thai sản đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng cường huy động từ nguồn lực xã hội; chế độ chính sách hỗ trợ phụ nữ trong thời gian nuôi con nhỏ, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ sau sinh, chính sách thai sản cho người khuyết tật; cũng như tìm ra các phương án mở rộng chế độ thai sản; kiến nghị các chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, mở rộng diện bao phủ...