Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang

Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), cồng chiêng được xem là món ăn tinh thần, là thanh âm quan trọng, linh thiêng trong đời sống sinh hoạt văn hóa. Dù vậy, sự tiếp cận, giao thoa văn hóa nhiều vùng, miền khiến văn hóa cồng chiêng tại đây đang dần mai một. Nhằm góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo này, những lớp dạy đánh cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống đã được mở ra, thu hút sự tham gia của hàng trăm người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng Hồ Cu Chảnh truyền dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên học viên rất thích thú.
Già làng Hồ Cu Chảnh truyền dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên học viên rất thích thú.

Nhà văn hóa truyền thống xã Lìa (huyện Hướng Hóa) hôm nay đông vui, rộn rã hơn mọi ngày. Rất đông già làng, trưởng bản và cả những thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số say sưa lắng nghe tiếng cồng, tiếng chiêng của nghệ nhân đến từ các bản làng của huyện Hướng Hóa. Năm nay

85 tuổi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, già làng Hồ Cu Chảnh vẫn minh mẫn và tâm huyết với việc giữ gìn văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Ông am hiểu văn hóa, thuần thục các nhạc cụ truyền thống và được mời tham gia đứng lớp, dạy đánh các nhạc cụ cồng chiêng. “Với cộng đồng người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều thì cồng chiêng là một báu vật vô cùng thiêng liêng, là phương tiện để cộng đồng bản làng giao lưu với nhau và cả với linh hồn những người đã khuất, đồng thời đây chính là sợi dây nối kết với các đấng thần linh. Ở bản có chuyện vui hay gia đình ai đó có chuyện buồn, lúc nhàn rỗi hay khi khó khăn, khi ông trời cho mưa gió thuận hòa hay lúc mùa rẫy bị chuột, sâu bệnh phá hoại... thì tiếng cồng chiêng vẫn được cất lên theo lễ cúng của thầy mo trong bản.

Vì thế, cồng chiêng chính là di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều”, già làng Hồ Cu Chảnh chia sẻ.

Thành lập từ năm 2010, hơn 12 năm qua, cứ mỗi tháng một lần, các thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) lại cùng nhau tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng, khi thì ở khóm Ka Tăng, khi thì ở khóm Khe Đá, khi lại vào tận khóm Ka Túp để tập luyện với những nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Bru-Vân Kiều như: Cồng, chiêng, tù và, khèn bè, trống... Đàn ông say sưa theo nhịp cồng, nhịp chiêng, nhịp trống, phụ nữ thì uyển chuyển trong từng động tác múa. Câu lạc bộ chính là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, giúp những người trẻ yêu tiếng cồng chiêng dân tộc mình và là cơ hội được trải nghiệm và góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa truyền thống. Anh Hồ Văn Ngởi, 32 tuổi, một thành viên trẻ của câu lạc bộ chia sẻ: “Là người con của núi rừng, sống trong lòng của vùng văn hóa lâu đời nhưng đang dần mai một khiến tôi rất trăn trở. Bản sắc là linh hồn sống của bản làng, các già làng rất tâm huyết truyền dạy cho nên chúng tôi sẽ cố gắng học hỏi và quảng bá rộng rãi hơn”.

Văn hóa dân gian vật thể hay phi vật thể đều giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật của mỗi cộng đồng người. Văn hóa cồng chiêng của người Bru-Vân Kiều cũng không ngoại lệ. Để văn hóa cồng chiêng của cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều “sống” được trong dòng chảy văn hóa hiện đại thì công tác truyền dạy lại cho thế hệ sau là vô cùng quan trọng. Lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, đơn vị đã mở nhiều lớp tập huấn sử dụng cồng chiêng cho hơn 300 học viên đến từ 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Các lớp tập huấn giúp nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nâng cao kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ và tạo điều kiện giao lưu, học hỏi giữa các thôn, bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tập huấn các loại hình khác như hát dân ca truyền thống của người Bru-Vân Kiều, Pa Cô (Tà Ôi).

Sự hiện diện của văn hóa cồng chiêng mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. Đó chính là tiếng nói, là ước mơ, khát vọng, là niềm vui, nỗi buồn và là thông điệp trao gửi giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cộng đồng với thế giới tâm linh. Khơi nguồn, bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc ấy của đồng bào Bru-Vân Kiều, Pa Cô là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi không chỉ lưu giữ được giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn là những giá trị ấy được thấm đẫm trong tâm hồn của thế hệ trẻ để họ tiếp tục giữ gìn, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình ■