Đồi chè của gia đình anh Bùi Văn Thế, ở xóm 9, xã Tân Linh, huyện Đại Từ mỗi lứa thu hái, bán búp tươi làm nguyên liệu cho thu nhập hơn 10 triệu đồng và được người thu mua đặt trước. Do không tìm thuê được người hái kịp thời nên cả đồi chè quá lứa, búp dài ra, nếu thu hái chất lượng sẽ giảm nhiều, ảnh hưởng đến thương hiệu.
Anh Bùi Văn Thế chia sẻ: “Gia đình tôi và các gia đình ở xóm 9, nhiều năm qua chăm sóc chè đúng quy trình, hái đúng thời điểm, thêm khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nên chè khi pha có màu xanh, thơm ngon. Tuy nhiên, do không có nhân lực thu hái nên chè quá lứa, nếu vẫn hái thì chất lượng sẽ giảm, mất thương hiệu và uy tín với khách hàng sau bao năm xây dựng được. Do đó, để giữ chất lượng chè, tôi buộc phải phát bỏ búp chè đã quá lứa”.
Không chỉ gia đình anh Thế, nhiều gia đình khác ở xã Tân Linh cũng phát bỏ chè đã quá lứa. Anh Nguyễn Hữu Thắng, xóm 8, xã Tân Linh tâm sự: “Phải phát bỏ những búp chè quá lứa mà trước đó đã mất bao công chăm sóc ai cũng tiếc nuối, nhưng không thể làm khác, vì giữ thương hiệu là trên hết. Bên cạnh đó, nếu không phát bỏ chè quá lứa sẽ ảnh hưởng đến lứa chè sau”. Phát bỏ diện tích chè quá lứa, gia đình anh Thắng bị thiệt hại khoảng tám triệu đồng.
Do thiếu nhân lực thu hái, nhiều diện tích chè ở các xã như Yên Lãng, Phú Cường, Tân Linh quá lứa. Dù phải chịu thiệt hại trước mắt nhưng người dân vẫn kiên quyết phát bỏ chè quá lứa để bảo đảm chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với bạn hàng. Thu hái chè cần nhiều nhân công, nguyên nhân thiếu nhân lực hái chè là do phần lớn người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là thanh niên địa phương đã đi làm công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Với hơn 20 nghìn héc-ta chè, tỉnh Thái Nguyên có diện tích chè lớn nhất so cả nước. Nghề chè trên địa bàn tỉnh khá phát triển, nhiều quy trình sản xuất chè đã được áp dụng kỹ thuật, như tưới chè tự động, sử dụng trang thiết bị chế biến, đóng gói chè nhằm giảm tối đa sức lao động. Tuy nhiên, để giữ chất lượng chè, riêng khâu hái chè vẫn phải thủ công, sử dụng nhân lực trực tiếp hái, không thể áp dụng biện pháp nào khác.
Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên và sẽ tiếp tục chuyển dịch trong thời gian tới, điều này kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm, điển hình là nghề chè của tỉnh Thái Nguyên đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, những năm tới tình trạng này sẽ diển ra ngày càng gay gắt.
Qua việc phá bỏ chè quá lứa, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng và nông dân nghề chè trên địa bàn tỉnh cần tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết, áp dụng khoa học, cải tiến quy trình nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực đang diễn ra.