Ðẩy mạnh phát triển sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được xác định và lựa chọn trong năm 2018, bao gồm: Rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh. Ðây được xem là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất.

Mô hình trình diễn sản xuất rau an toàn tại huyện Củ Chi của Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Ảnh: LÝ NGUYỄN
Mô hình trình diễn sản xuất rau an toàn tại huyện Củ Chi của Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh. Ảnh: LÝ NGUYỄN

Với kinh phí tám tỷ đồng, Trang trại rau thủy canh Mê Kông, xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã đầu tư mô hình trồng rau, quả nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Sử dụng diện tích 8.000 m2 nhà màng để trồng dưa lưới và rau thủy canh, hằng năm trang trại này thu về hàng tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, đại diện trang trại cho biết: “Trang trại chuyên trồng rau, quả bằng công nghệ tiên tiến, đồng thời, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại rau ăn lá, rau ăn củ, dưa lưới bằng phương pháp canh tác thủy canh trong nhà màng. Trang trại có được như ngày hôm nay là nhờ các ban, ngành của thành phố tạo điều kiện để đơn vị phát triển. Ðịnh hướng của trang trại trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rau vì đây là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố”.

Hằng tháng, trang trại Mê Kông cung cấp từ năm đến bảy tấn dưa lưới, từ 10 đến 15 tấn xà lách ôn đới cho thị trường rau quả cao cấp ở TP Hồ Chí Minh. Hiện, trang trại đã liên kết đầu tư hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án trồng rau thủy canh, dưa lưới, cà chua, dưa leo trong nhà màng ở các địa phương Bình Dương, Ðồng Tháp, Tiền Giang, Ðà Nẵng… với diện tích hơn 15.000 m2. Trang trại rau thủy canh Mê Kông đang được hỗ trợ về giống, kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc bằng công nghệ Nhật Bản, Thái-lan, Ðài Loan (Trung Quốc) để hướng đến xuất khẩu rau, quả sang thị trường Nhật Bản.

Theo Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn của thành phố, đến năm 2020, diện tích gieo trồng rau đủ điều kiện sản xuất an toàn đạt hơn 16.300 ha, giá trị sản xuất đạt hơn 800 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, hơn 90% tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được giám sát kiểm tra, bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP. Ðến nay, thành phố có 91 xã, phường sản xuất rau an toàn với diện tích 3.524 ha. Ðồng thời, đã triển khai ba mô hình truy xuất nguồn gốc với sản lượng rau được dán tem trung bình 2,5 tấn mỗi ngày, triển khai xây dựng bảy mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học tại huyện Củ Chi và Bình Chánh.

TP Hồ Chí Minh hiện có 5,7% hộ làm nông nghiệp tại năm huyện ngoại thành, nhưng lao động thật sự sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% dân số, đóng góp 0,8% GRDP. Trong 115 nghìn ha đất nông nghiệp, diện tích rừng và đất rừng phòng hộ chiếm 75 nghìn ha. Ðến nay, giá trị sản xuất đất nông nghiệp là hơn 502 triệu đồng/ha (bình quân cả nước gần 100 triệu đồng/ha/năm), tức cao hơn năm lần so với cả nước. Việc TP Hồ Chí Minh ban hành danh mục nhóm sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thuộc ba lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có tỷ trọng và giá trị cao là vì những sản phẩm này có khả năng phát triển ứng dụng CNC, công nghệ sinh học (CNSH) cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tập trung chuyển đổi mạnh các diện tích, cây con hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất bình quân cũng như cải thiện thu nhập cho nông dân. Trong đó, phát triển diện tích, mở rộng đầu ra cho rau an toàn, rau đạt chuẩn VietGAP được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2016 - 2020”.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị với tốc độ tăng trưởng khá cao. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP và giá trị sản xuất tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2019, ngành nông nghiệp thành phố đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao 6%, nâng giá trị sản xuất bình quân từ 502 triệu đồng lên 550 triệu đồng/ha. Ðể thực hiện mục tiêu trên, Sở NN và PTNT thành phố tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đơn vị, quận, huyện cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, mía và các cây trồng khác kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất sản phẩm chủ lực theo hướng nông nghiệp CNC, CNSH. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng CNSH để sản xuất giống cây, vật nuôi chất lượng và năng suất cao, từng bước xây dựng thành phố trở thành trung tâm cây giống, con giống của khu vực.

Ðể làm được điều này, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nông dân vay vốn với lãi suất hỗ trợ từ 60% đến 100% tùy theo loại hình khi đầu tư các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ðồng thời, để các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có đủ sức cạnh tranh, thành phố sẽ quy hoạch cây trồng, vật nuôi thành các vùng chuyên canh lớn, trong đó sẽ nghiên cứu xây dựng thêm khu nông nghiệp CNC.

Giám đốc Nguyễn Phước Trung cho biết: "Những giải pháp về vốn, các chương trình mục tiêu để giúp cho các sản phẩm chủ lực này tiếp tục được phát triển đã được thành phố phê duyệt. Những giải pháp liên quan đất đai, đào tạo, chuyển giao nông nghiệp CNC và phát triển giống mới… cũng được Sở NN và PTNT, các sở, ngành liên quan và các quận, huyện phối hợp triển khai để chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp.

Theo Kế hoạch phát triển nhóm sản phẩm chủ lực chăn nuôi, đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển tổng đàn bò sữa 77.000 con, sản lượng sữa 296.450 tấn, năng suất sữa bình quân đạt 7.700 kg/con/năm, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 con giống; duy trì tổng đàn heo khoảng 300.000 con, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng một triệu heo con giống các loại. Ðối với nhóm sản phẩm có tiềm năng (cá cảnh), sản lượng cá cảnh sản xuất 250 triệu con, trong đó xuất khẩu khoảng 50 triệu con, kim ngạch xuất khẩu đạt mức 50 triệu USD.