Đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa XI), nhiệm kỳ 2021-2026 vừa ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Một hộ gia đình người dân tộc Châu Ro ở thôn 7, xã Đức Tín, huyện Đức Linh, (Bình Thuận) thu hoạch bắp
Một hộ gia đình người dân tộc Châu Ro ở thôn 7, xã Đức Tín, huyện Đức Linh, (Bình Thuận) thu hoạch bắp

Theo đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp, có nhân khẩu trong độ tuổi lao động, có khó khăn về vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước tại 11 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao và 21 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc các xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh sẽ được thụ hưởng chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư, tiêu thụ nông sản để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Các mặt hàng thực hiện đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển gồm bắp giống, lúa giống, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật. Mặt hàng thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản gồm lúa thương phẩm và bắp lai thương phẩm. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhận khoán bảo vệ rừng được thụ hưởng chính sách khoán bảo vệ rừng là bên nhân khoán.

Hạn mức diện tích rừng nhận khoán bảo vệ trên cơ sở thỏa thuận giữa bên nhận khoán và bên khoán là các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các Công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp, nhưng không quá 30ha/hộ.

Riêng đối với các trường hợp đang thực hiện hợp khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt có hạn mức khoán trên 30 ha/hộ thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian khoán bảo vệ rừng theo hồ được duyệt và được thực hiện theo định mức kinh phí của chính sách này. Trong đó, định mức kinh phí tiền khoán bảo vệ rừng năm 2022 là 200.000đ/ha/năm; từ năm 2023 trở đi là 300.000đ/ha/năm./.