Đầu tư đồng bộ mạng lưới xe buýt kết nối metro Bến Thành-Suối Tiên

Dự án tổ chức mạng lưới xe buýt kết nối các nhà ga của tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) nhằm tạo nên hệ thống đồng bộ, liên hoàn, cung cấp khả năng tiếp cận cao nhất để người dân sử dụng dịch vụ tuyến đường sắt đô thị, đang được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải thành phố, gấp rút thực hiện với nguồn kinh phí đầu tư hơn 93 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư đồng bộ mạng lưới xe buýt kết nối metro Bến Thành-Suối Tiên

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với các nhà ga thuộc tuyến metro số 1. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 93 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như: Trạm dừng xe buýt, nhà chờ xe buýt, khu vực đón trả khách, bãi đậu xe cá nhân. Dự kiến từ nay đến quý IV, Trung tâm sẽ triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng các hạng mục, từ đó tổ chức gom khách và giải tỏa hành khách từ khu vực nhà ga của tuyến metro số 1 đến các khu dân cư, khu vực lân cận.

Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết: Theo kế hoạch, cuối năm 2023, tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đi vào khai thác vận hành, thời gian từ nay đến đó không còn nhiều. Do đó để "đón đầu" tuyến metro lăn bánh, Trung tâm đã nhanh chóng lập và triển khai dự án thực hiện nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang Xa lộ Hà Nội (tuyến hiện hữu) và đề xuất phát triển thêm (mở mới) các tuyến xe buýt kết nối nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1. Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ xây dựng và vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải xe buýt và tăng cường khả năng tiếp cận bằng xe buýt chung quanh nhà ga trên cao của tuyến metro số 1.

Cụ thể, với các tuyến xe buýt hiện hữu dọc hành lang Xa lộ Hà Nội sẽ giữ nguyên hiện trạng 11 tuyến (hai tuyến liên tỉnh và chín tuyến nội thành); đồng thời ngừng hoạt động hai tuyến và điều chỉnh lộ trình 15 tuyến (bốn tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội thành). Các tuyến xe buýt này vừa tăng cường kết nối, vừa là tuyến giao thông gom khách cho tuyến metro số 1, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Trung tâm cũng đề xuất mở mới 22 tuyến xe buýt để gom khách cho tuyến metro số 1, trong đó có ba tuyến liên tỉnh và 19 tuyến nội thành. Ba tuyến liên tỉnh gồm tuyến 61-9 (Bến xe Củ Chi-Dĩ An-Bến xe Miền Đông mới), tuyến 61-10 (Bến xe Bến Cát-Bến xe Miền Đông mới) và tuyến kết nối liên tỉnh với Đồng Nai là Bến xe Miền Đông mới-Khu du lịch Giang Điền (tuyến 60-9).

19 tuyến xe buýt nội thành có mã số tuyến từ M1 đến M19, kết nối từ các điểm ở tuyến metro số 1 với các khu vực công cộng, khu dân cư. Có thể kể đến một số tuyến như tuyến gom Bến xe buýt khu A Đại học Quốc gia-Vinhomes Grand Park, tuyến gom Công viên Gia Định-Vinhomes Grand Park, tuyến gom Đại học Quốc gia-Suối Tiên, ga tàu thủy Bình An-Bến xe buýt Sài Gòn…

Qua khảo sát, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đánh giá, hiện có 23 tuyến xe buýt, chủ yếu nằm dọc Xa lộ Hà Nội có khả năng kết nối với tuyến metro số 1 phục vụ trung chuyển và hỗ trợ phục vụ nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Tuy nhiên, lộ trình tuyến hiện hữu này có mức độ tiếp cận đến tuyến metro chưa thật sự thuận lợi.

Ngoài ra, việc kết nối các khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trường học, bệnh viện theo các tuyến đường nhánh, đường gom còn thiếu và hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu tổ chức tuyến xe buýt kết nối vào tuyến metro số 1, đồng thời thực hiện nghiên cứu tổ chức lại các tuyến xe buýt hiện hữu dọc Xa lộ Hà Nội là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ai cũng nhận thấy nếu không có hệ thống xe buýt gom khách cũng như giải tỏa hành khách thì tuyến metro số 1 sẽ không hoạt động hết công suất như mong muốn. Một khi lượng khách ít sẽ dẫn tới ngân sách nhà nước phải tốn tiền bù lỗ vì sản lượng thấp.

Do đó, ngay từ bây giờ, thành phố phải gấp rút đầu tư hệ thống xe buýt kết nối vào metro số 1 để hành khách có điều kiện tốt nhất khi sử dụng metro; đồng thời cần thiết lập các tuyến xe buýt nhanh để đưa hành khách từ Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai đến Thành phố Hồ Chí Minh thông qua tuyến metro số 1. "Một khi những điểm hạn chế này được giải quyết thì tuyến metro số 1 nói chung và những tuyến metro đang được thành phố đầu tư, kêu gọi vốn, mới có thể phát huy được tiêu chí lấp đầy sản lượng hành khách", kiến trúc sư Nam Sơn chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, thực tế hiện nay các tuyến xe buýt của thành phố nằm dọc Xa lộ Hà Nội chỉ đơn thuần để đón, trả khách theo nhu cầu lưu thông hiện hữu mà chưa được kết nối vào các nhà ga của tuyến metro số 1. Đây là thiếu sót khi thực hiện thiết kế các tuyến đường sắt đô thị. Do đó, thành phố cần ưu tiên xây dựng hạ tầng đồng bộ kết nối vào tuyến metro như cầu vượt bộ hành, nhà chờ xe buýt, bãi đậu xe buýt, xe cá nhân, khu vực đậu đỗ xe ta-xi…

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh công bố một kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy, việc đầu tư phát triển mạng lưới xe buýt gom có thể sẽ giúp tăng lượng khách của tuyến metro số 1. Trường hợp có mạng lưới buýt gom thì lượng khách là 110.000 lượt hành khách/ngày, tương đương mức tăng 62% so với trường hợp chưa có kết nối.