Đầu tư cho nhóm ngành công nghệ

Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn… đang là những ngành, nhóm ngành được các trường đại học, cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đầu tư nhằm đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong giai đoạn tới.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Quốc tế Sài Gòn được học tập trong môi trường công nghệ cao. (Ảnh CTV)
Sinh viên Trường đại học Quốc tế Sài Gòn được học tập trong môi trường công nghệ cao. (Ảnh CTV)

Mùa tuyển sinh năm nay, khoa học máy tính và công nghệ thông tin tiếp tục là hai ngành thu hút đông đảo thí sinh vào Trường đại học Quốc tế Sài Gòn. Ngành khoa học máy tính của trường gồm bốn chuyên ngành là trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu lớn, kỹ thuật phần mềm, mạng máy tính và an ninh thông tin.

Ngành công nghệ thông tin cũng gồm bốn chuyên ngành: Công nghệ thông tin, công nghệ thông tin y tế, thiết kế vi mạch và thiết kế đồ họa. Bên cạnh đó, ngành công nghệ giáo dục cùng các nhóm “chuyên ngành lai” như marketing số và kinh doanh số cũng nhận được sự quan tâm của tân sinh viên.

Ðầu tư cho nhóm ngành công nghệ là hướng đi được Trường đại học Quốc tế Sài Gòn tập trung triển khai trong vài năm trở lại đây. Ngoài Trung tâm STEM, phòng máy tính, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế hay Trung tâm Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo “SIU AI Lab”, nhà trường còn là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam sở hữu rô-bốt tương tác xã hội SIUBOT với thiết kế hình người thân thiện và công nghệ tiên tiến, giúp sinh viên tiếp cận thế giới số theo hướng thân thiện, hiệu quả.

Thời gian thực hành, thực nghiệm gia tăng khiến sinh viên tự tin hơn trong quá trình tiếp thu, ứng dụng kiến thức mới liên quan công nghệ. Ngoài chương trình đào tạo chính khóa, nhà trường còn khuyến khích sinh viên tham gia vào các câu lạc bộ học thuật liên quan công nghệ như: Câu lạc bộ Trí tuệ nhân tạo, Câu lạc bộ Olympic Tin học, Câu lạc bộ Tin học ứng dụng và Câu lạc bộ An toàn thông tin. “Những câu lạc bộ này tạo ra môi trường học tập lý tưởng, giúp sinh viên thường xuyên tiếp xúc với các vấn đề thực tiễn trong ngành và sẵn sàng cho các cuộc thi lập trình, rô-bốt, an ninh thông tin trong nước và quốc tế.

Các chương trình học bổng tài năng của trường cũng chú trọng vào nhóm ngành công nghệ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có thế mạnh về lĩnh vực này. Thông qua mạng lưới doanh nghiệp tham gia kết nối với nhà trường, sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế tại các công ty công nghệ hàng đầu thông qua nhiều dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, giáo dục, y khoa, nông nghiệp…”, ông Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường đại học Quốc tế Sài Gòn cho hay.

Thiết kế vi mạch là một trong bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, có nhu cầu nhân lực cao nhất giai đoạn 2020-2025 và mỗi năm tăng trưởng hơn 15% nhu cầu công việc. Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan đến công nghệ vi mạch và bán dẫn. Từ nay đến năm 2027, đại học này dự tính sẽ tuyển sinh, đào tạo khoảng 1.000 nhân lực chuyên về lĩnh vực này tại ba trường thành viên là Trường đại học Tự nhiên, Trường đại học Công nghệ thông tin và Trường đại học Bách khoa.

Bổ sung thêm ngành mới, thiết lập các dự án đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu về công nghệ cao (tập trung nguồn lực cho công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch) là những nhiệm vụ quan trọng mà ba trường đại học này đảm trách. Bên cạnh đó, nâng chất đầu vào cũng là phần việc được các trường chú trọng.

Ðiểm chung là các ngành liên quan lĩnh vực công nghệ tại các trường thành viên của Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vài năm trở lại đây luôn nằm trong tốp cao.

Năm 2024, điểm chuẩn các ngành, nhóm ngành công nghệ theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Trường đại học Tự nhiên nhìn chung tăng mạnh. Ngành khoa học máy tính (Chương trình tiên tiến) có chuẩn đầu vào cao nhất với 28,50 điểm, tiếp theo ngành trí tuệ nhân tạo (27,70 điểm), ngành khoa học dữ liệu (26,85 điểm), nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin (26,75 điểm)...

Năm nay, trường mở thêm hai ngành mới là công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch do nhu cầu thực tế của thị trường quá lớn. Ðiểm chuẩn cao nhất của Trường đại học Công nghệ thông tin năm 2024 là ngành trí tuệ nhân tạo (28,3 điểm). Tiếp theo là ngành khoa học dữ liệu (27,5 điểm), khoa học máy tính (27,3 điểm), công nghệ thông tin (27,1 điểm)…

Ngay trong năm đầu tuyển sinh, ngành thiết kế vi mạch của trường lấy mức trúng tuyển là 26,5 điểm. Một trường thành viên khác của Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là Trường đại học Bách khoa cũng quy định mức điểm chuẩn cao với các ngành công nghệ như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu, thiết kế vi mạch…

Không chỉ các trường đại học, thời gian gần đây, một số trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ cao. Trường cao đẳng FPT Polytechnic mới đây đã thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn từ Anh về Việt Nam.

Năm nay, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng tuyển sinh 180 chỉ tiêu chuyên ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch thuộc ngành công nghệ điện tử viễn thông. Trường dự kiến sẽ phát triển chuyên ngành này thành ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch vào mùa tuyển sinh sau với khoảng 160 chỉ tiêu. Thông qua chương trình hợp tác với Ðài Loan (Trung Quốc), năm nay, Trường cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tuyển sinh các ngành đào tạo liên quan tới công nghệ bán dẫn.

Ông Nguyễn Ðăng Lý, Hiệu trường Trường cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trường dành 100 chỉ tiêu đào tạo cho ngành học trong lĩnh vực bán dẫn và tài chính theo “Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế-INTENSE” mà đối tác Ðài Loan dành cho sinh viên Việt Nam. Cụ thể, phía Ðài Loan sẽ chi trả vé máy bay, học phí và các khoản phí khác trong quá trình học tại Ðài Loan. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ làm việc tối thiểu hai năm cho doanh nghiệp Ðài Loan đã hỗ trợ. Sau đó, có thể chọn làm tiếp tại Ðài Loan hoặc trở về Việt Nam.