Đặc sắc nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer ở Nam Bộ

NDO - Theo Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer còn được gọi là dàn nhạc Pin Piết đã có từ rất xa xưa, được thiết kế rất tinh xảo bởi các nghệ nhân người Khmer.
0:00 / 0:00
0:00
Các tiết mục biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer Nam Bộ.
Các tiết mục biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer Nam Bộ.

Vùng đất “Chín Rồng” (vùng đồng bằng sông Cửu Long) có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, đoàn kết, gắn bó keo sơn lâu đời với người Kinh, Hoa. Đặc biệt, các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu là những địa phương có nhiều đồng bào Khmer.

Dàn nhạc ngũ âm của người Khmer Nam bộ gồm có 7 nhạc cụ khi diễn tấu tạo ra năm âm thanh (Ngũ âm). Cụ thể là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 loại nhạc khí khác nhau.

Nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa cổ truyền, độc đáo của đồng bào Khmer, nhiều năm qua tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nhiều lần tổ chức Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer thu hút nhiều đội đến từ các chùa Khmer trong và ngoài tỉnh trong khu vực tham gia.

Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân, Thượng tọa Tăng Sa Vông, chủ trì chùa Khmer ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), cho biết: Người Khmer có một kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc. Tại các chùa của đồng bào Khmer ở xã Hưng Hội, mỗi chùa đều có ít nhất một dàn nhạc ngũ âm.

Nhạc cụ ngũ âm là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu của người Khmer Nam bộ. Nó có âm lượng lớn và thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội cổ truyền. Nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, bảo đảm các yếu tố hoà âm cho cả dàn.

Đặc sắc nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer ở Nam Bộ ảnh 1

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam trao cờ lưu niệm các đội tham dự Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tại Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu năm 2022.

Theo những người đam mê và tìm hiểu về dàn nhạc ngũ âm, thì đây là dàn nhạc được thiết kế đẹp và tinh xảo. Khi biểu diễn, người chơi nhạc thường tách ra từng nhạc cụ để độc tấu, nhằm khai thác tối đa sự độc đáo trong âm thanh của từng nhạc cụ, cũng như khả năng biểu diễn của từng nhạc công.

Vào các ngày lễ, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer cũng như của người Kinh, nhiều chùa Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bạc Liêu nói riêng thường tổ chức các buổi liên hoan, hoặc “trình diễn” dàn nhạc ngũ âm.

Đặc biệt, các nội dung chủ lưu như ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về biển đảo quê hương, quá trình xây dựng và phát triển của vùng đất phương Nam, của các tỉnh trong khu vực…

Những ngày cuối năm 2022, tôi có dịp đến chùa Xiêm Cán của đồng bào Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, được tận mắt chứng kiến không khí vui tươi, lung linh, rộn ràng của đêm Liên hoan nhạc ngũ âm nơi đây.

Hòa cùng sắc màu trang phục truyền thống, những âm thanh thú vị thánh thót, rộn ràng từ các dàn nhạc ngũ âm; những tràng vỗ tay tán thưởng của hàng nghìn khán giả đến từ mọi nơi, khiến đêm Liên hoan thật sự sôi động như ngày hội lớn, gắn kết thêm tình cảm, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trên địa bàn…

Ông Sơn Phol Danh, người Khmer, 72 tuổi ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cho biết, ông đam mê chơi nhạc ngũ âm khi mới hơn 10 tuổi. Việc tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức Liên hoan nhạc ngũ âm, bản thân ông và nhiều người Khmer trong tỉnh rất phấn khởi.

Hiện nay, nhạc ngũ âm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phum, sóc của đồng bào Khmer. Khi dàn nhạc ngũ âm vang lên, dù là người già hay người trẻ, trai hay gái đều tưng bừng, rộn ràng nhảy múa để hòa mình vào điệu múa tập thể, tạo bầu sinh khí mới mẻ, vui tươi.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương khẳng định: “Chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh luôn rất quan tâm đến nhạc ngũ âm và múa dân gian của đồng bào Khmer tại địa phương. Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập”.