Cuộc sống mới bên bờ sông Dinh

Công trình đập hạ lưu sông Dinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) được đầu tư xây dựng gần 700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương và vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Sau bốn năm đưa vào khai thác, công trình đã đem lại hiệu quả thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình đập hạ lưu sông Dinh.
Công trình đập hạ lưu sông Dinh.

Đập hạ lưu sông Dinh được khởi công vào đầu năm 2017 và hoàn thành năm 2020, có tổng diện tích xây dựng gần 13 ha, với quy mô đập ngăn nước sáu khoang điều tiết thoát lũ và ngăn chặn mặn xâm nhập khi thủy triều dâng, mỗi khoang rộng 37,8m, âu thuyền rộng 6,2m, dài 21m, cao trình đáy âu thuyền thay đổi từ -3,50m đến -0,50m, giúp tàu thuyền đi lại, kết hợp làm cống xả cân bằng, giảm chênh lệch cột nước trước khi vận hành cửa van chính.

Mặt đập được kết hợp làm cầu đường giao thông dài 480m, rộng 18m với bốn làn xe ô-tô, hai làn đi bộ, kết nối thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của cư dân sống dọc hai bên bờ sông Dinh thuộc các phường Tấn Tài, Ðạo Long, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và xã An Hải, huyện Ninh Phước.

Ðập hạ lưu sông Dinh còn tạo thành hồ chứa nước ngọt quanh năm với gần 4 triệu mét khối, cấp nước cho người dân vùng hạ lưu sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi; cấp nước cho Nhà máy cấp nước Ðông Mỹ Hải đưa nước về khu công nghiệp khu vực phía nam tỉnh Ninh Thuận.

Sông Dinh đổ ra Biển Ðông, tại cửa biển thuộc phường Ðông Hải, cho nên đập còn có vai trò đặc biệt hơn nữa là làm cho nguồn nước ngầm tại nơi này đang bị nhiễm mặn được ngọt hóa trở lại trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là vào mùa khô.

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi đến khu vực phía bờ bắc sông Dinh, chứng kiến hàng trăm héc-ta cây hoa màu trồng dọc theo bờ sông tươi xanh giữa mùa khô hạn. Anh Nguyễn Khải Linh ở Khu phố 4, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chia sẻ: “Tôi trồng 1 sào (1.000 m2) các loại rau như quế, cải ngọt...; nhiều năm trước đây, hễ vào mùa khô, thủy triều dâng khiến cho nguồn nước ngầm ven sông bị nhiễm mặn, không sản xuất được. Mấy năm qua, nhờ có đập hạ lưu ngăn mặn, ổn định nguồn nước ngầm ngọt quanh năm, giúp cho vườn rau luôn xanh tốt, tăng thu nhập, kinh tế gia đình được cải thiện nhiều”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm Nguyễn Thành Phú cho biết: “Các hộ dân có đất sản xuất nằm xa bờ sông thì sử dụng khoan giếng nước ngầm, lấy nguồn nước từ ven bờ sông để tưới cho cây trồng, còn sản xuất gần bờ sông thì dùng máy bơm nước trực tiếp dưới sông Dinh lên tưới cho hoa màu. Nhờ đó, hơn 500 ha cây trồng ở cuối nguồn sông luôn xanh tốt, nông dân không còn lo lắng đất bị xâm nhập mặn nữa, vì đã có nguồn nước tưới để sản xuất quanh năm”.

Xã An Hải, huyện Ninh Phước có tổng diện tích tự nhiên hơn 2.169 ha, trong đó, có hơn 1.438 ha đất sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 7 thôn với 5.034 hộ/18.638 người dân tộc Kinh và Chăm, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… Phần lớn diện tích của An Hải nằm trong vùng bị ảnh hưởng nhiễm mặn cũng như hứng chịu nhiều rủi ro khi xảy ra thiên tai bão lũ. Khi đập hạ lưu sông Dinh hoàn thành, 29 hộ dân có đất được Nhà nước thu hồi đã bàn giao 17.820 m2 để tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đầu tư công trình tuyến kè bảo vệ bờ nam sông Dinh và tuyến đường gom nông thôn (tiểu dự án thành phần thuộc dự án đập hạ lưu sông Dinh), nhờ đó, hàng trăm héc-ta đất sản xuất gần bờ sông không còn bị sạt lở, thiệt hại cây trồng do ngập úng vào mùa mưa bão như trước đây.

Nông dân Lê Thiện, ở xã An Hải chia sẻ: “Không chỉ hiệu quả trong sản xuất, cây cầu lớn của dự án bắc ngang sông Dinh giúp người dân đi lại thuận tiện, vận chuyển nông sản đến điểm tiêu thụ liên vùng lân cận vừa nhanh, vừa giảm chi phí. Công trình kè bảo vệ bờ nam sông và tuyến đường gom nông thôn vừa chống ngập úng hiệu quả, vừa tạo cảnh quan đẹp, mở hướng phát triển du lịch homestay, thu hút đông du khách đến thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng”.

Nhờ hiệu quả từ đập hạ lưu sông Dinh, diện tích đất bị nhiễm mặn thuộc vùng hạ lưu và dọc hai bên bờ sông ngày càng được khôi phục, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, đồng thời áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm… vì vậy các loại cây trồng cho năng suất cao. Cùng với đó, đường giao thông thuận lợi, cho nên chi phí sản xuất và vận chuyển nông sản giảm nhiều so với trước, nông dân tăng thêm thu nhập; làng quê ngày càng trù phú, chất lượng đời sống ngày càng nâng cao.

Hiện nay, xã An Hải có 99,9% số cư dân nông thôn có nhà ở được xây kiên cố; 100% số hộ dùng điện sinh hoạt; 98% số hộ dùng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,64% (theo tiêu chí mới), hằng năm giải quyết việc làm mới cho 350 lượt lao động, đạt gần 127% so với chỉ tiêu; thu nhập bình quân đầu người hơn 52,4 triệu đồng/năm.

Chiều xuống, cả vùng đất ven sông Dinh tràn ngập ánh đèn sáng từ những căn nhà mới xây; hàng chục xe vận tải nối đuôi nhau chở nông sản chạy trên cầu đường hạ lưu sông Dinh cùng với dòng người tản bộ trên mặt cầu để chiêm ngưỡng cảnh đẹp vùng quê và hưởng làn gió mát từ dòng sông Dinh êm đềm... Chúng tôi chợt nhớ đến câu nói chân chất chứa đầy niềm tin của nông dân Lê Thiện. Công trình đập hạ lưu sông Dinh đã và đang thật sự đem lại đời sống tốt và cổ vũ sự tự tin, vươn lên làm giàu của người dân sống ven sông Dinh.