Nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân
Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra của tỉnh. Tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh, mới đây, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng trạm tăng áp phục vụ cho xã Sùng Nhơn, xã Đa Kai giúp cho hàng nghìn hộ dân có nước sạch sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Tường Vi (xã Sùng Nhơn) cho biết: Từ trước đến nay, khu vực này chỉ sử dụng nước giếng. Thời gian gần đây, nước giếng không còn bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống. Nhờ xây dựng nông thôn mới mà người dân đã có nước sạch sử dụng. Còn tại xã Đông Hà (xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), từ khi có cụm công nghiệp đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện Đức Linh và khu vực lân cận có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Nhà ở xã Mê Pu cách cụm công nghiệp hơn 30 km, công nhân Nguyễn Minh Ngọc cho biết: "Trước kia, tôi đi làm thuê cho nhà hàng, quán ăn thu nhập cũng bấp bênh nên không đủ cho con ăn học. Khi có cụm công nghiệp tại xã Đông Hà, tôi xin vào làm việc với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng đã cải thiện được cuộc sống. Thay vì trước kia, người dân xã Mê Pu đi làm xã Đông Hà phải thuê nhà trọ. Nhờ nhà nước đầu tư, nâng cấp đường thuận tiện trong di chuyển nên tôi chỉ cần đi về trong ngày. Sau đó, tôi về "quảng bá" cho nhiều người thân, bạn bè chưa có việc làm".
Nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tỉnh cho biết: Quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới vẫn là cơ sở hạ tầng. Ngay từ đầu năm, Thường trực, Ban Chỉ đạo của huyện tập trung chọn những tiêu chí có kinh phí lớn, cần thời gian xây dựng để trình lên tỉnh chấp thuận, phê duyệt.
Giúp năm sau hoàn thành các tiêu chí, huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xin kinh phí nâng cấp ba trường trung học phổ thông trên địa bàn để đạt tiêu chí trường học. Trong năm 2024, huyện phối hợp Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đầu tư mở rộng các tuyến ống cấp nước. Huyện triển khai dự án phân loại rác tại nguồn, vận chuyển về khu xử lý tập trung để xử lý; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để không xả thải ra môi trường, góp phần đưa xã trở thành những "miền quê đáng sống".
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Văn Hùng cho biết: Khi cân đối được nguồn vốn tại địa phương, huyện sẽ tập trung làm các công trình như xây dựng nhà máy nước hơn 12 tỷ đồng tại thôn La Dày hoặc xây dựng trạm y tế hơn 20 tỷ đồng. Đồng thời, huyện xin nguồn vốn từ tỉnh để xây dựng bốn trường học, kinh phí gần 200 tỷ đồng, hướng đến hoàn thành tiêu chí giáo dục.
Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Tân Nguyễn Thành Nam, huyện đang tập trung xây dựng các phòng chức năng trong trường học như nhà thi đấu đa năng, các phòng thể dục, mỹ thuật… để học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Huyện phấn đấu đến năm 2025, hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Ưu tiên nguồn vốn xây dựng công trình
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Thuận, giai đoạn từ năm 2021-2025, tỉnh phấn đấu có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có năm huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Năm 2024, phấn đấu 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ba xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hai xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đã tập trung huy động nguồn vốn đầu tư công, vốn vay ODA, vốn xã hội hóa để ưu tiên đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, y tế. Thực tế cho thấy, hiện nay mạng lưới giao thông nông thôn đã xây dựng đạt hơn 72%, giúp 85 xã hoàn thành tiêu chí giao thông. Dự kiến cuối năm 2025, giao thông nông thôn hoàn thành 1.919/2.167 km.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tập trung các giải pháp để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch năm 2024 đã đề ra, để làm cơ sở sang năm 2025 thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới Trung ương giao. Tuy nhiên, các dự án có tiến độ giải ngân nguồn vốn còn chậm. Các chương trình lồng ghép để có nguồn vốn lớn và huy động nguồn lực trong xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Các địa phương còn thiếu chủ động, chưa triển khai thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong hồ sơ để kịp thời phân bổ kế hoạch vốn năm 2024. Các sở, ban, ngành cần phối hợp địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các tiêu chí khó như trường học, trạm y tế, giao thông, nước sạch; lồng ghép ba chương trình mục tiêu để hỗ trợ phát triển kinh tế…
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng yêu cầu, các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân vốn hằng tháng, cam kết tiến độ giải ngân để làm căn cứ thực hiện.
Những đơn vị không thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định. Các đơn vị thường xuyên rà soát kế hoạch vốn các dự án chưa xác định mục tiêu, không có nhu cầu sử dụng vốn để điều chuyển sang các dự án có nhu cầu theo quy định, nhằm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra.