Tăng cường giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông

Tăng cường giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông là cách rút ngắn thời gian tương tác và giúp giáo viên cũng như học sinh được tiếp cận sớm với giáo dục STEM; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học liên quan đến STEM tại trường trung học cơ sở. Điều này cũng góp phần tạo cảm hứng giúp học sinh theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và tự tin, sẵn sàng đối mặt với những thách thức cũng như cơ hội mới trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày hội STEM-Khơi nguồn sáng tạo tại Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Ngày hội STEM-Khơi nguồn sáng tạo tại Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).

Đổi mới cách tiếp cận giáo dục STEM

Trường đại học Sư phạm kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức thành công chương trình giáo dục STEM cho học sinh tại một số trường trung học cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng, tạo một sân chơi đầy sáng tạo cho học sinh phổ thông.

Tại Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động trong Ngày hội STEM-Khơi nguồn sáng tạo. Đây là dự án do nhà trường phối hợp Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật triển khai. Với 4 chuyên đề được tổ chức vào các ngày cuối tuần do các giảng viên của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật chủ trì, học sinh phổ thông được tìm hiểu về phương pháp giáo dục STEM và cách tiếp cận sáng tạo cho học sinh trung học cơ sở; thực hành và trải nghiệm các mô hình STEM liên quan đến cơ khí và kỹ thuật; hoạt động nhóm và thảo luận về việc ứng dụng STEM trong thực tiễn; tổ chức cuộc thi thiết kế và sáng tạo sản phẩm STEM với chủ đề “Thiết kế bánh xe mơ ước”. Ngày hội STEM - Khơi nguồn sáng tạo diễn ra nhiều hoạt động hữu ích, thu hút cả học sinh, sinh viên như các cuộc thi: “Sáng tạo cùng STEM”, “Thiết kế bánh xe mơ ước”, “Làm kem siêu tốc”, thuyết trình các sản phẩm công nghệ do chính các học sinh thực hành, trải nghiệm và thể hiện. Những mô hình xe điều khiển không dây tham gia tranh tài tại cuộc thi “Thiết kế bánh xe mơ ước” lần này chính là sản phẩm của các học sinh Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong sau 4 tuần tham gia dự án.

Em Nguyễn Đức Hưng, học sinh lớp 8/1, Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong chia sẻ: “Lần đầu tiên em được sử dụng các thiết bị hiện đại tại phòng thí nghiệm của trường đại học để tạo mô hình xe điều khiển không dây. Cùng với các bạn trong lớp tự tay thiết kế, lắp ráp, vận hành sản phẩm, em mới thấy các kiến thức mình học được qua các môn học có sự liên kết với nhau để vận dụng vào thực tế”.

Thầy giáo Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong nói: “Thông qua sự hướng dẫn, huấn luyện của các giảng viên, chuyên gia tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, học sinh của chúng tôi đã được nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình. Các giảng viên, chuyên gia của nhà trường đã cung cấp định hướng, động lực và truyền cảm hứng cho học sinh theo đuổi các lĩnh vực STEM trong tương lai. Sự phối hợp giữa trường đại học và nhà trường tạo ra mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thúc đẩy chuyển giao kiến thức và kỹ năng”.

Tìm kiếm nguồn nhân lực kỹ thuật từ giáo dục STEM

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, hầu hết trường phổ thông ở Đà Nẵng đều triển khai hoạt động giáo dục STEM với nhiều cách thức khác nhau. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn triển khai hoạt động giáo dục STEM, sử dụng không gian sáng tạo của các trường đại học và đội ngũ giảng viên nhằm tạo sân chơi học tập, giảng dạy theo hướng kết nối, liên thông. Bên cạnh đó, ngành giáo dục-đào tạo thành phố, các phòng giáo dục-đào tạo quận, huyện phối hợp các cơ sở giáo dục đại học như: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật để tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về giáo dục STEM; tổ chức các cuộc thi sáng tạo Robot dành cho học sinh.

Thời gian qua, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật đã tổ chức Trại hè Công nghệ 2024 cho học sinh các trường trung học phổ thông tại Đà Nẵng tham gia. Với Trại hè Công nghệ 4.0, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 có cơ hội được tiếp xúc trải nghiệm các sản phẩm công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) các ngành kỹ thuật hiện nay. Những trải nghiệm thực tế sẽ giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai theo sở thích và năng lực bản thân.

PGS, TS Nguyễn Lê Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết: Việc tổ chức các chương trình tập huấn Giáo dục STEM giúp học sinh phổ thông bước đầu làm quen với các kỹ năng sáng tạo. Những trải nghiệm này sẽ giúp truyền cảm hứng học tập, theo đuổi con đường khoa học-công nghệ cho học sinh. Các cuộc thi STEM do trường đại học kết nối với các trường phổ thông là sân chơi giúp phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng khoa học, công nghệ trong học sinh. Từ đó, những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của các em học sinh có thể trở thành nguồn động lực và định hướng để theo đuổi con đường phấn đấu trở thành những sinh viên, kỹ sư, nhà khoa học trong tương lai ■