Tái tạo không gian công cộng trong đô thị

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, vấn đề tổ chức không gian công cộng đang ngày càng được quan tâm. Tại Đà Nẵng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thành phố đã và đang quan tâm đầu tư, quy hoạch, nâng cấp các không gian công cộng trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân chơi thể thao tại công viên 4C sau khi khánh thành “Không gian Thể thao Thanh niên - Tiếp năng lượng, bừng sức trẻ”.
Người dân chơi thể thao tại công viên 4C sau khi khánh thành “Không gian Thể thao Thanh niên - Tiếp năng lượng, bừng sức trẻ”.

Sức sống mới tại các khu dân cư

Từ những khu đất trống, những góc phố xơ xác, nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã dần hình thành nên những công viên xanh mát, sôi động. Tại khu công viên 4C (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), từ chỗ từng là mảnh đất cỏ mọc um tùm, buồn tẻ, mờ nhạt, đến nay, người dân từ già đến trẻ đã có một không gian lý tưởng để vui chơi, gặp gỡ, thể dục thể thao. Cùng bạn bè thỏa sức chơi bóng rổ, em Nguyễn Đình Chiêu (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hào hứng nói: “Trước đây phải đến trường mới có rổ bóng để chơi, nhưng bây giờ bọn em được chơi ngay trong xóm, đỡ đi lại mà còn có thể chơi nhiều lúc hơn”. Đây là một trong những hiệu quả từ khi nâng cấp, cải tạo khu công viên 4C thành “Không gian Thể thao Thanh niên-Tiếp năng lượng, bừng sức trẻ” do Tập đoàn TCP, Công ty TNHH TCP Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện quốc gia triển khai.

Ông Phạm Văn Quy, Phó Bí thư Chi bộ Nại Thịnh Đông (quận Sơn Trà) cho biết, trước đây, khu vực công viên 4C cỏ cây um tùm, rác thải ô nhiễm. Tuy nhiên, từ năm 2022, nhờ sự chung tay dọn dẹp của người dân và sự cải tạo, trồng cây xanh của chính quyền địa phương, nơi đây đã có một diện mạo hoàn toàn mới. Đến nay, nhờ ý thức giữ gìn tốt của người dân, công viên 4C đã được chọn làm Không gian Thể thao Thanh niên, dự kiến sau khi được sửa chữa, cải tạo và nâng cấp có tổng diện tích khoảng 1.000 m2, gồm 1 sân bóng rổ, 1 sân cầu lông, 1 sân pickleball với nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại như trụ rổ di động, trụ cầu lông và các khung thể thao đa năng. Theo Tổng Giám đốc TCP Việt Nam Nguyễn Quang Hiền Huy, công trình “Không gian Thể thao Thanh niên-Tiếp năng lượng, bừng sức trẻ” thể hiện nỗ lực kiến tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để thanh niên, người dân rèn luyện thể chất, tạo môi trường lý tưởng để cộng đồng tăng cường giao lưu, kết nối, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. “Chúng tôi nhận thức rõ về nhu cầu cấp bách của xã hội trong việc tạo ra những không gian thể thao cộng đồng”, ông Nguyễn Quang Hiền Huy chia sẻ.

Có thể nói, các thiết chế văn hóa, thể thao đã góp phần quan trọng trong xây dựng một không gian công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân, thổi bừng sức sống trong các khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ông Phạm Văn Quy nhấn mạnh: “Nếu các khu dân cư đều có công viên như thế này thì chắc chắn rằng sẽ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân lên và các hoạt động, nhiệm vụ chính trị khác của tổ dân phố cũng sẽ thuận lợi, có không gian phát huy được tinh thần đoàn kết”.

Động lực phát triển đô thị bền vững

Thực tiễn cho thấy, phát triển không gian công cộng hiệu quả cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng trong quá trình sử dụng và quản lý. Trên thực tế hiện nay, không ít các hạng mục, công trình trong các công viên, vườn dạo tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố đã xuống cấp trầm trọng do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan trong quản lý và sử dụng. Thực trạng này còn đang xảy ra tại nhiều khu vực bên bờ sông Hàn trên các tuyến đường: Như Nguyệt, Trần Hưng Đạo... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị, môi trường sống và nhất là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ em khi vui chơi. Cũng nhìn nhận được vấn đề “cha chung không ai khóc” trong quản lý và sử dụng không gian công cộng, ông Phạm Văn Quy chia sẻ: “Làm thế nào để bảo vệ công viên luôn sạch đẹp là vấn đề chúng tôi luôn trăn trở. Vì vậy, sau khi cải tạo, nâng cấp khu công viên 4C, cấp ủy chi bộ đã tuyên truyền, vận động bà con, nhất là giới trẻ phải cùng chung tay giữ gìn”.

Mặt khác, chức năng không gian công cộng vượt ngoài các mục tiêu vui chơi, giải trí trong đời sống xã hội đơn thuần, trở thành yếu tố cốt lõi tạo ra không gian hợp tác, sáng tạo, sinh thái trong phát triển đô thị bền vững. Trong thực tiễn quản lý nhà nước, khái niệm không gian công cộng ở nước ta thường gắn với đất cây xanh đô thị như công viên, vườn hoa, sân chơi... Xét theo góc độ này, các chỉ tiêu đất cây xanh công cộng cho toàn đô thị và từng khu vực được xác định trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phải đáp ứng với mục tiêu của quy hoạch và phù hợp đặc thù từng đô thị. Thời gian qua, bên cạnh đầu tư cho không gian công cộng tại các khu dân cư, thành phố Đà Nẵng còn đầu tư, nâng cấp những không gian công cộng tiêu biểu với kiến trúc ấn tượng, riêng có của thành phố như: Công viên vườn tượng APEC, Quảng trường 29/3, Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Sơn Trà... Đáng chú ý, thành phố đầu tư cho cảnh quan, đường dạo, không gian ven sông Hàn, trong đó có việc khai trương phố đi bộ Bạch Đằng. Tổng thể đã tạo nên một bức tranh đô thị đa sắc màu, không gian “chữa lành” cho người dân và nhiều lợi ích lâu dài cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số thấp hơn khu vực lõi sẽ phát triển với mật độ dân số cao hơn, mật độ xây dựng phù hợp quy chuẩn, hình thành các không gian xanh công cộng; đồng thời đầu tư, bổ sung các không gian mở, vườn dạo trong các khu dân cư nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho dân cư đô thị ■