Ninh Thuận khẳng định vị thế, tăng trưởng bền vững

Với tiềm năng, lợi thế khác biệt và sở hữu vị trí chiến lược mạng lưới giao thông đồng bộ, gồm: đường biển, cảng biển, đường sắt, Quốc lộ 1A và cao tốc bắc - nam; các khu công nghiệp quy mô lớn cùng các cụm công nghiệp vệ tinh tạo thành nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp và kinh tế biển, Ninh Thuận đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế quốc gia, vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: Thời gian gần đây, địa phương bứt phá mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 2018-2023, quy mô nền kinh tế tỉnh tăng gấp hơn 1,7 lần, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Riêng năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,74%, đưa Ninh Thuận vươn lên nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình.

Với bối cảnh tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước và đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao.

Theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra những cơ hội lớn cho địa phương. Quy hoạch đã định hướng phát triển toàn diện các ngành kinh tế theo lộ trình cụ thể, góp phần nâng cao khả năng thu hút đầu tư và tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

Các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh như: Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và năng lượng tái tạo đều có bước phát triển vượt bậc. Năng lượng tái tạo là thế mạnh đặc trưng của tỉnh đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án, với 3.750MW, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế của tỉnh và được Chính phủ xác định là Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết số 115/NQ-CP.

Ninh Thuận đang tập trung 3 khâu đột phá quan trọng, gồm: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và khơi thông nguồn lực. Tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ cải thiện quy hoạch, đất đai, xây dựng đến việc thúc đẩy các chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực.

Ðồng thời, kiến nghị Trung ương trao quyền tự chủ lớn hơn, nhằm triển khai các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương. Ðiều này, không chỉ giúp Ninh Thuận phát huy tối đa nội lực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm các dự án đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ngày 19/12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo khoa học về định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030. Tại hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế biển và đô thị hóa trong việc tạo động lực phát triển.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, để biến "Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt" thành lợi thế phát triển nhanh và bền vững, Ninh Thuận cần có quyết tâm chính trị cao, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá đối với các trụ cột kinh tế (năng lượng, cảng-logistics, du lịch, nông ngư nghiệp, công nghiệp chế biến) để đạt tăng trưởng bình quân khoảng từ 11-12%/năm.

Ðịa phương đang tập trung các nhóm ngành trụ cột theo quy hoạch, trong đó, tận dụng cơ chế của Chính phủ, phát triển công nghiệp năng lượng, lợi thế của địa bàn được chọn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quốc gia để xây dựng hệ sinh thái đồng bộ của Trung tâm năng lượng quốc gia, nhằm hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút doanh nghiệp.

Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ: "Việc tái khởi động xây dựng các nhà máy điện hạt nhân không làm thay đổi định hướng quy hoạch phát triển tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà còn tạo thêm sự đột phá trong quá trình hình thành Trung tâm năng lượng quốc gia".

Ngày 5/12/2024, trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến khảo sát địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận là sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển và vì mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Với lợi thế sẵn có, Ninh Thuận từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Với chiến lược phát triển bài bản, sự hỗ trợ từ chính sách, quyết tâm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp, Ninh Thuận đang nỗ lực tạo nên đột phá mới để địa phương này không chỉ là miền đất của những giá trị khác biệt mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững.