Phòng lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ

Từ hàng chục năm nay, ông Trần Văn Cao (90 tuổi) ở thôn 2, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã sửa sang, nâng cấp ngôi nhà của mình thành phòng lưu niệm về Bác Hồ. Tại đây, hiện đang trưng bày hơn 800 hiện vật, hình ảnh và nhiều tư liệu quý do ông sưu tập được. Khi có khách đến tham quan, ông Cao tận tình giới thiệu với mọi người về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng kính yêu vô hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Văn Cao giới thiệu những tư liệu về Bác Hồ tới khách tham quan.
Ông Trần Văn Cao giới thiệu những tư liệu về Bác Hồ tới khách tham quan.

Trong căn nhà đơn sơ nhưng ngăn nắp, ông Trần Văn Cao lưu giữ hơn 800 hiện vật về Bác Hồ, gồm những tấm ảnh, những bức tranh do ông vẽ. Tại không gian rộng rãi nhất của gia đình, ông đã sửa sang, nâng cấp trở thành gian trưng bày trang trọng những tài liệu, hình ảnh về Hồ Chủ tịch. Những tư liệu ở đây có thể không mới với các nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng chứa đựng tình cảm tha thiết của ông đối với vị lãnh tụ kính yêu.

Từ những tấm ảnh cắt từ các tờ báo, ảnh chụp, hay những tấm ảnh được chụp lại từ các sách báo, đều được ông ép plastic và đưa vào khung treo trang trọng. Ông kể, ý tưởng sưu tầm, lưu giữ những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ ấp ủ từ năm 1968, khi ông được bình bầu là Chiến sĩ thi đua ngành Thủy lợi, được tặng thưởng một số tấm ảnh của Bác. Những tấm ảnh đó được ông lưu giữ như báu vật. Từ đó đến nay thấm thoắt gần 60 năm, ngày ngày ông cặm cụi sưu tầm tài liệu và kể lại những câu chuyện về Hồ Chủ tịch với con, cháu. Ông nói, ông làm việc này để kể cho con cháu của mình, sau là cho các bạn trẻ hiểu về công ơn và tình cảm của Bác Hồ với nước, với dân.

Dẫn chúng tôi tham quan không gian trưng bày, ông rưng rưng chia sẻ về tấm ảnh Bác Hồ với đồng bào và chiến sĩ miền nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mỗi lần ngắm bức ảnh này, ông Cao lại nghẹn ngào vì thương Bác vẫn chưa được đến thăm miền nam ruột thịt. Cũng thật xúc động khi được nghe ông đọc những câu thơ về cuộc đời làm cách mạng của Bác Hồ, những câu trong bài thơ 1.456 câu do chính ông sáng tác: “Thanh cao lý tưởng Bác Hồ/Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam/Lời nói cũng như việc làm/Con người phúc hậu dân càng mến thương/Tài năng đức độ phi thường/Giúp dân cứu nước chặng đường chông gai”. Ông chia sẻ: “Bất kể mọi lúc, mọi nơi, tôi luôn nghĩ đến hình ảnh của Bác Hồ. Chính bởi vậy, tôi đã biến những suy nghĩ của mình thành những câu thơ. Mỗi ngày, tôi nghĩ được khoảng ba đến năm câu, cứ như vậy trong chín năm, bài thơ mới hoàn thành”.

Ông chia sẻ: Kinh phí để làm phòng trưng bày này là từ tiền tiết kiệm, lương hưu của ông. “Có tấm ảnh nào thì mang đi in dần dần, mỗi lần vài tấm, nhiều khi vẫn phải nói với gia đình là bạn bè, bà con giúp đỡ”, ông bộc bạch.

Khi chúng tôi đang dở câu chuyện thì bà Nguyễn Thị Định, vợ ông đi làm đồng về, tiếng cười rộn ràng từ ngoài ngõ. Bà kể, ông bà làm ruộng vất vả, nhưng bà tự hào về việc ông làm. “Nhờ có Đảng, có Bác Hồ, đất nước mới có cơ đồ như ngày hôm nay. Gia đình tôi lưu lại những hình ảnh, câu chuyện về Bác Hồ để kể cho lớp trẻ, tôi rất vui về việc làm của chồng mình”.

Mỗi lần có khách đến tham quan, ông Cao hồ hởi gác công việc sang một bên, trở thành một “thuyết minh viên tâm huyết với nghề”. Bà Định tự hào lắm, nhất là khi được có mặt cùng ông tại Lễ vinh danh điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020, cũng như khi chứng kiến chồng mình được nhận bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương.