Tạo đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô

Sau hơn bốn năm triển khai, Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Nổi bật nhất là thành phố đã phát huy được những giá trị văn hóa riêng, tạo đột phá trong xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng yêu cầu khi Thủ đô và đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
0:00 / 0:00
0:00
Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bài 1: Khẳng định vị thế Thủ đô văn hóa

Hà Nội có 6.489 di tích các loại. Bảo tồn hệ thống di sản này là một nhiệm vụ nặng nề. Song, với cách tiếp cận mới, bảo tồn để phát huy giá trị trong công nghiệp văn hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng trong bảo vệ giá trị văn hóa, thành phố tiếp tục khẳng định vị thế là Thủ đô di sản-Thủ đô văn hóa trong những năm gần đây.

Khi mới triển khai Chương trình 06-CTr/TU, thành phố có 5.922 di tích. Nhưng khi kết thúc nhiệm kỳ, con số này đã tăng lên 6.489 di tích các loại. Ở một thành phố có bề dày văn hóa như Hà Nội, công tác nhận diện di sản là việc làm thường xuyên, liên tục song song với công tác bảo tồn.

Sở dĩ có sự chênh lệch đó là do trong nhiệm kỳ này, thành phố đã triển khai công tác kiểm kê di tích. Kết quả kiểm kê giúp thành phố nhận diện thêm 567 di tích, thuộc nhiều nhóm khác nhau, từ đình, đền, chùa cho tới nhà thờ họ, lăng miếu… Ðây chính là cơ sở quan trọng để phục vụ cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài.

Cũng trong giai đoạn từ 2021-2025, Hà Nội đã làm thủ tục và được xếp hạng thêm 5 di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Ðền Kim Liên (quận Ðống Ða); đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm); đền Quán Thánh và đền Voi Phục (quận Ba Ðình); đình Bối Khê (huyện Thanh Oai).

Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế số 1 về di sản của thành phố, với 21 di tích quốc gia đặc biệt, 1.166 di tích cấp quốc gia, 1.572 di tích cấp thành phố và 3.665 di tích nằm trong danh mục kiểm kê.

Cùng với thời gian, các di tích thường xuyên bị xuống cấp cho nên tu bổ di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố. Thời gian qua, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định đầu tư tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, kinh phí 14.029 tỷ đồng, trong đó có 58 dự án cấp thành phố và 521 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ các quận, huyện, thị xã.

Riêng giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung nguồn lực gần 9.800 tỷ đồng. Phần còn lại dành cho giai đoạn sau năm 2025. Hàng trăm dự án đã và đang triển khai, góp phần bảo tồn bền vững hệ thống di tích. Nhiều di tích nằm ở địa bàn khó khăn về kinh tế như: Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Ba Vì… đã được "giải cứu" từ triển khai công tác tu bổ bằng nguồn đầu tư công.

Ðối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã phê duyệt Ðề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; đồng thời, quan tâm, hỗ trợ công tác truyền dạy đối với các di sản thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn di sản văn hóa dân gian.

Thành phố cũng xây dựng và triển khai chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hơn bốn năm qua, thành phố có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lên tới 40 di sản.

Từ nền tảng bảo tồn, Hà Nội đã phát huy, khai thác hệ thống di sản vào phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là trong du lịch. Nổi bật là ra mắt và duy trì tổ chức các chương trình trải nghiệm đêm tại các di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám và Di tích Quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn… đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách.

Mặc dù nhiều hoạt động của Chương trình 06-CTr/TU gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2022, nhưng với việc khai thác, phát huy thế mạnh di sản, kết hợp triển khai nhiều loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái…, đến hết năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đã cơ bản hồi phục, đón lượng khách gần bằng lượng khách trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ðặng Hương Giang cho biết: "Năm 2024, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 27,88 triệu lượt, khách du lịch quốc tế ước đạt 6,35 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 110,66 nghìn tỷ đồng; trong đó, du lịch văn hóa vẫn là nòng cốt. Thành phố quan tâm xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa tiêu biểu".

Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố tiếp tục lấy du lịch văn hóa làm nòng cốt, đồng thời triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Ðộ - Bát Tràng - Ðền thờ Chử Ðồng Tử; nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới…

(Còn nữa)