Cơ hội mới cho vùng đất Tây Nguyên

Ðể mở đường lớn cho Tây Nguyên hướng về tương lai, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về "Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", nghị quyết đã tạo ra cơ hội mới cho vùng đất nhiều tiềm năng này.
0:00 / 0:00
0:00
Tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông sẽ mở ra những cơ hội liên kết rộng lớn cho Tây Nguyên.
Tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông sẽ mở ra những cơ hội liên kết rộng lớn cho Tây Nguyên.

Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020, Trung ương đánh giá: Tây Nguyên đã gặt hái những thành tựu quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển của vùng vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Nguyên nhân là do trong quá trình phát triển, khu vực xuất hiện nhiều "điểm nghẽn" cần phải vượt qua.

Trước tiên là cơ chế, chính sách. Trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Tây Nguyên, vấn đề liên kết kinh tế nội vùng chưa đặt đúng vị trí trong quy hoạch phát triển tổng thể. Liên kết các tỉnh, các cấp thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết dẫn đến việc trao đổi thông tin, cơ chế phối hợp không rõ ràng, thiếu "nhạc trưởng" điều phối. Bài toán quy hoạch, áp dụng các mô hình sản xuất tại các tỉnh trong vùng còn máy móc, rập khuôn theo khuynh hướng chung đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, sản phẩm thiếu thương hiệu và dễ bị tổn thương bởi quy luật cung-cầu của nền kinh tế thị trường. Hai là trình độ và khả năng áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất của nông dân, doanh nghiệp tại Tây Nguyên vẫn còn thiếu đồng bộ, hạn chế. Cuối cùng là điểm nghẽn trong nghiên cứu, ứng dụng và khai thác các tài nguyên văn hóa hiện đã lộ những bất cập. Các giá trị văn hóa, tôn giáo tâm linh tộc người và các giá trị khác chưa được xây dựng chuyển hóa thành các sản phẩm du lịch vừa mang tính đặc thù, vừa thêm tính đa dạng, phong phú.

Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng; tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức. Quản lý đất đai, di dân, bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Các cơ chế, chính sách cho vùng chưa có trọng tâm, trọng điểm và sát với thực tiễn. Thể chế liên kết vùng thiếu đồng bộ, hiệu quả. Các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của mình và của vùng. Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và huy động các nguồn lực. Phân cấp, phân quyền chưa thật sự gắn với năng lực và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, thiếu phối hợp và kiểm tra, giám sát. Chưa phát huy, khai thác tốt giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và con người vùng đất Tây Nguyên thành nguồn lực phát triển…

Tiếp tục phát triển bền vững

Nghị quyết 23-NQ/TW xác định, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Nhiều giải pháp cũng được chỉ rõ, trong đó quan trọng là các nhóm giải pháp đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nông, lâm, công nghiệp; đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, chăm lo đời sống nhân dân. Nhiệm vụ đầu tiên là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Liên kết để phát triển là một nhiệm vụ mang tính đột phá, nhằm đưa Tây Nguyên phát triển trong hoàn cảnh mới, trong đó hạ tầng giao thông là khâu trọng yếu. Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng. Các địa phương trong vùng cũng sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ giáo dục, đào tạo, y tế, nguồn nhân lực. Trong đó có chính sách riêng cho một số cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người. Các tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án nhằm bảo tồn phát huy có hiệu quả văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa tạo tiền đề phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng; giữ gìn phát huy phong tục, tập quán, tín ngưỡng; tuyên truyền từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Nghị quyết 23-NQ/TW cũng nêu rõ các nhiệm vụ lớn về bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Ðể làm tốt các nhiệm vụ đã đề ra, phải quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, coi đây là nhân tố có tính quyết định. Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Phấn đấu để các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ Ðảng. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ… Hy vọng rằng, từ nghị quyết quan trọng này, sẽ tạo nên những xung lực mới, những chuyển động và sinh khí mới cho vùng đất Tây Nguyên tiếp tục phát triển bền vững, thịnh vượng.