Cơ hội để ngành nông nghiệp tăng tốc

Với những quy định về tập trung, tích tụ ruộng đất, Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học-công nghệ tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang, lãng phí đất.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. (Ảnh: PHẠM HÙNG)
Mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. (Ảnh: PHẠM HÙNG)

Sau nhiều năm tiến hành dồn đổi đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng sản xuất, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Các hộ nông dân có nhiều thửa ruộng rải rác ở khắp các xứ đồng đã được dồn đổi lại còn một vài thửa, giúp sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đất sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Quá trình tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa theo kịp nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Người dân còn tâm lý giữ đất chờ dự án, không mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất hoặc cho thuê đất do lo ngại rủi ro, dẫn đến tình trạng đất đai bỏ hoang, lãng phí.

Anh Nguyễn Văn Hà, người dân xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ chia sẻ, gia đình anh có ba sào đất nông nghiệp đang cho thuê với giá gần hai triệu đồng/sào/năm để trồng rau sạch. Sau ba năm hợp tác, doanh nghiệp thuê đất có nhu cầu mở rộng diện tích để đầu tư nhà màng, nhà lưới trồng rau hữu cơ, nhưng rất khó khăn.

Anh đã nhiều lần giới thiệu doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp các hộ dân có đất nông nghiệp hỏi thuê lâu dài, trả tiền hằng năm, nhưng đều không thành công vì có một, hai trường hợp không đồng thuận. Để triển khai dự án, doanh nghiệp buộc phải nâng giá tiền thuê đất hằng năm hoặc mời gia đình có đất tham gia đầu tư theo hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng người dân vẫn không cho thuê đất, mà bỏ đất hoang, lãng phí.

Luật Đất đai năm 2024 có quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Cụ thể, luật quy định rõ, tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.

Còn tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học-công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất.

Đặc biệt, Luật Đất đai mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương; đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được kết hợp thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu...

Theo nhận định của các chuyên gia, những chính sách mới của Luật Đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, các quy định mới liên quan đất nông nghiệp của Luật Đất đai sẽ tăng khả năng kêu gọi đầu tư, nhất là những doanh nghiệp lớn đầu tư khoa học-công nghệ vào nông nghiệp. Người dân có nhiều lựa chọn để gia tăng giá trị đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất. Ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mới mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân.