Được đầu tư hiện đại với mục tiêu trở thành bệnh viện thông minh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện bệnh án điện tử, hội chẩn từ xa. Kết quả xét nghiệm, lâm sàng được đưa lên hệ thống truyền dữ liệu, chuyển đến các khoa, phòng. Công tác quản lý người bệnh liên thông toàn quốc, chỉ cần nhập mã bệnh án là có đầy đủ lịch sử khám, chữa bệnh.
Hiện có khoảng 30-40% số người bệnh đăng ký khám bệnh qua internet, hotline. Để việc cung ứng các loại biệt dược và vật tư được thông suốt, hệ thống quản lý dược của bệnh viện sẽ báo cơ số thuốc còn hạn sử dụng. Việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm bảo đảm quy định về dược lâm sàng. Các khoản thu đều nhập vào hệ thống quản lý tài chính bệnh viện.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lê Văn Tịnh mong muốn sớm được nâng cấp hạ tầng thông tin, đường truyền, thiết bị đấu nối để đồng bộ hệ thống trang thiết bị. Từ đó, người bệnh có thể ở nhà theo dõi xem khi nào đến lượt khám của mình, hoặc chỉ cần quét mã QR thì sẽ biết đường đi đến từng khoa, phòng. Như vậy sẽ giảm đáng kể thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo cũng tích cực đổi mới hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh thông qua chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin. Trung tâm đề ra mục tiêu trước ngày 30/6 năm nay sẽ hoàn thành bệnh án điện tử.
Giám đốc Trung tâm Phạm Thanh Minh nêu một số giải pháp nhằm giảm thời gian chờ của bệnh nhân: "Chúng tôi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng số bàn khám, tăng số cán bộ tiếp đón và bộ phận thu viện phí, lấy máu xét nghiệm. Trung tâm đã sửa sang, đưa vào hoạt động Phòng khám đa khoa khu vực Đạo Trù là vùng có đông người dân tộc thiểu số. Mỗi ngày trung bình phòng khám thực hiện khám, điều trị cho khoảng 80 bệnh nhân. Hiện nay tỷ lệ sử dụng giường bệnh của Trung tâm Y tế huyện đạt khoảng 75-80%, qua khảo sát có hơn 90% số dân hài lòng với các dịch vụ của trung tâm".
Trên đây là hai trong số các cơ sở y tế đang chuyển đổi số rất hiệu quả của ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, tất cả nhân viên y tế đều thấy được hiệu quả của chuyển đổi số.
Giám đốc Sở Y tế Lê Hồng Trung phấn khởi cho biết: Đến nay đã có ba bệnh viện tuyến tỉnh hoàn thành triển khai Bệnh án điện tử; hình thành kho dữ liệu cơ bản của ngành gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh và Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã chủ động trang bị thiết bị đọc mã QR để hoàn thành việc ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp vào khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các cơ sở đều thực hiện liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử lên cổng giám định của Bảo hiểm xã hội; triển khai hỗ trợ người bệnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Hiện nay, Sở Y tế Vĩnh Phúc đang thực hiện các thủ tục đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm điều kiện hạ tầng để triển khai bệnh án điện tử và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành. Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của người dân, góp phần thực hiện các tiêu chí trong Chương trình nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Vtelehealth đang được triển khai và sớm đi vào hoạt động.
Nhờ nỗ lực chuyển đổi số y tế, người dân tỉnh Vĩnh Phúc có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế, giám sát hoạt động khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế.