Trở̉ lại Phú Mỹ, xã có gần 93% số dân là đồng bào Khmer của huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây không còn cảnh “nắng bụi, mưa lầy”, thay vào đó là diện mạo một vùng quê khá hiện đại. Hai bên các tuyến đường giao thông nông thôn là những hàng hoa khoe sắc, tôn thêm vẻ khang trang, sạch, đẹp của những ngôi nhà ven đường.
Hòa Thượng Trần Sia, Trụ trì chùa Đay-Ta-Suốs xã Phú Mỹ chia sẻ: “Thời gian qua, cùng chính quyền, các đoàn thể địa phương, nhà chùa vận động phật tử tập trung phát triển kinh tế gia đình, đóng góp để thực hiện mô hình bóng đèn thắp sáng đường quê, trồng hoa ven đường, thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ, thấy được hiệu quả, ai cũng ủng hộ rất nhiệt tình. Hiện nay, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trong khuôn viên gia đình, phum, sóc đã trở thành việc làm thường xuyên của mọi nhà”.
Các tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành, các hệ phái Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Ba Ha’i giáo cũng đều nhiệt tình hưởng ứng chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Linh mục Trương Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, bảo vệ môi trường sống và đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu là những vấn đề luôn được quan tâm nhằm bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau. Giáo hội thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; sinh hoạt về kiến thức môi trường cho các em thiếu nhi; vận động người dân cùng triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm…
Ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, đánh giá: Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường thiết thực, ý nghĩa và triển khai đến từng hộ dân, mô hình không ngừng được nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cùng các tổ chức tôn giáo tiếp tục ký kết chương trình phối hợp về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2026. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là Luật Bảo vệ môi trường đến các tầng lớp nhân dân.
Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động; hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Qua đó, hướng đến hình thành trong cộng đồng nếp sống vệ sinh, xanh, sạch, đẹp; thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, ăn uống hợp vệ sinh và bảo đảm sức khỏe. Kêu gọi mọi người hưởng ứng ngày “Chủ nhật xanh”, trồng cây, trồng rừng, xanh đồng, sạch ngõ, sạch nhà, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; không lạm dụng đốt rơm rạ, đốt vàng mã, rải tiền vàng mã, đốt hương gây ô nhiễm.
Vận động nhân dân hưởng ứng hỏa táng, chôn cất người quá cố đúng nơi quy định, hạn chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Các ngành chức năng sẽ mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tôn giáo, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo triển khai các hoạt động phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các tôn giáo và phát huy truyền thống sống “Tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình hướng đến các mục tiêu cụ thể nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ môi trường.