Điều đáng nói là cả ba huy chương đều thuộc về một mình vận động viên (VĐV) cử tạ Lê Văn Công. "Lực bất tòng tâm", cho dù rất nỗ lực và đạt được mục tiêu có huy chương, nhưng Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam không thể có thành tích tiến bộ hơn các kỳ Paralympic trước đó. Tuy không đến mức trắng tay như đoàn Việt Nam tại Olympic Paris 2024, nhưng nhìn vào thực trạng và thành tích tại Paralympic lần này mới thấy nhiều điều đáng lo của thể thao người khuyết tật Việt Nam ở mức độ phong trào cũng như đỉnh cao.
Khác với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore cử đoàn dự Paralympic Paris 2024 đông đảo, đoàn Việt Nam chỉ có bảy VĐV thi đấu tại Thế vận hội người khuyết tật. Số lượng đã ít, nhưng đáng nói hơn là tuổi đời của các VĐV nhìn chung không còn trẻ, nhiều gương mặt trong số họ đã quá quen thuộc ở các kỳ giải, đại hội thể thao khu vực, châu lục và Paralympic. Tuổi tác cao, thể lực suy giảm, chưa kể tới các chấn thương, đã tác động không nhỏ khiến thành tích thi đấu không được như mong muốn là điều hiển nhiên. Mặc dù vậy, họ vẫn phải nắm trọng trách mang vinh quang về cho đất nước tại Paralympic. Sự thiếu vắng thế hệ mới cho thấy thể thao đỉnh cao chưa thật sự được quan tâm đúng mức và chưa đủ sức lôi cuốn những người khuyết tật trẻ có năng khiếu.
Để có thể theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao, đòi hỏi sự cố gắng và quyết tâm rất lớn của các VĐV thể thao người khuyết tật, bởi ngoài việc duy trì tập luyện đều đặn và các kỳ giải thi đấu, họ còn phải vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để hội nhập cộng đồng, rồi lo bươn chải bảo đảm cuộc sống.
Lực sĩ Lê Văn Công mang về Huy chương Đồng Paralympic 2024
Thể thao đỉnh cao người khuyết tật chỉ có thành tích tốt từ một nền tảng phong trào phát triển ở cơ sở, nhất là cấp độ câu lạc bộ để từ đó có thể tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển. Tuy nhiên, phong trào ở không ít địa phương thiếu ổn định, không có được sự đầu tư, chỉ đạo và hướng dẫn đúng định hướng, cho nên việc hình thành và phát triển các câu lạc bộ thể thao cho người khuyết tật còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc tìm kiếm, tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển từ cơ sở gặp nhiều khó khăn. Một trở ngại là thiếu kinh phí đầu tư khiến các đội tuyển thể thao người khuyết tật không có điều kiện tập trung, tập huấn, thi đấu quốc tế dài ngày hoặc mời được những chuyên gia, huấn luyện viên giỏi đào tạo, dẫn dắt.
Chúng ta vẫn nói nhiều, kêu gọi nhiều về tạo điều kiện và cơ hội cho thể thao người khuyết tật phát triển, kỳ vọng họ đoạt huy chương, thành tích cao, song kinh phí đầu tư chuyên môn thì thấp, chế độ thưởng, đãi ngộ cũng chưa tương xứng. Phải nhìn nhận một thực tế, cùng là một tấm huy chương, cùng mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường khu vực, châu lục hay thế giới, nhưng VĐV thể thao người khuyết tật đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với VĐV bình thường. Để không chỉ là lời kêu gọi, đã đến lúc chúng ta phải tìm ra những giải pháp, tạo dựng cơ chế hỗ trợ xứng đáng và hiệu quả các huấn luyện viên, VĐV người khuyết tật.
Trước hết là rút ngắn khoảng cách biệt về mức tiền thưởng tại các đại hội, giải đấu quốc tế cho huấn luyện viên,VĐV người khuyết tật so với mức thưởng của các huấn luyện viên, VĐV bình thường. Mặt khác phải tăng tỷ lệ được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia theo tiêu chuẩn Paralympic, không để quá thấp như hiện tại.
Một thực tế là ở cấp độ đại hội khu vực, phần lớn tuyển thủ quốc gia người khuyết tật không hề có chế độ tập huấn mà chỉ thuộc diện gọi tập trung tuyển chọn đi thi đấu. Với cung cách đầu tư và ứng xử như vậy, sẽ rất khó để thể thao người khuyết tật Việt Nam phát triển bền vững và đạt thành tích cao.
Bên cạnh những sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách thưởng, tập huấn, thi đấu, ngành thể thao cần quan tâm tạo dựng các phương thức và chế độ để người khuyết tật được ưu tiên tiếp cận các cơ sở tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao, từ đó mới có cơ hội phát hiện những VĐV năng khiếu để tập trung đầu tư. Ngoài ra, vấn đề không kém phần quan trọng, giúp VĐV người khuyết tật tài năng yên tâm cống hiến là việc đào tạo nghề, giúp họ có cuộc sống ổn định sau khi giải nghệ.