Chùm ca bệnh này được ghi nhận trong hai ngày từ ngày 15-16/3 với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói… Có những học sinh sốt đến 39oC.
Ngay sau khi nhận được thông tin, HCDC nhanh chóng phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế Quận 10 điều tra dịch tễ, lấy ngẫu nhiên sáu mẫu xét nghiệm gửi về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để phân lập. Kết quả cho thấy, tất cả sáu mẫu xét nghiệm đều dương tính với cúm A/H1N1.
Theo số liệu giám sát từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp ở trường học thuộc quận Bình Thạnh, và mới đây nhất là tại Trường tiểu học Võ Trường Toản. Thông tin xuất hiện các chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại các trường học ở thành phố khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình.
Các chuyên gia y tế cho biết, cúm A/H1N1 là bệnh nguy hiểm do tỷ lệ lây lan rất nhanh và mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch rất lớn. Tuy không nguy hiểm như những loại cúm khác như cúm A/H5N1 hay cúm A/H7N9, nhưng cúm A/H1N1 có khả năng gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng hoặc thậm chí có thể tử vong.
Vi-rút cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ… hay có thể tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì năm phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, cúm A/H1N1 có thể sống đến bốn ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC, sống vài tuần ở nhiệt độ 0-4oC. Do đó, ở các hồ bơi, điểm bơi công cộng có thể tạo ra môi trường cho vi-rút A/H1N1 hoạt động mạnh, nhất là vào thời tiết có độ ẩm thấp, thiếu ánh nắng, thậm chí ở nhiệt độ âm 20oC và đông khô, vi-rút cúm có thể tồn tại cả năm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo, để phòng, chống bệnh cúm A/H1N1, các cơ sở giáo dục cần thực hiện quản lý học sinh bằng công tác điểm danh mỗi ngày. Nếu phát hiện có học sinh bị bệnh truyền nhiễm, ghi nhận trường hợp có từ hai học sinh cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian hoặc tăng bất thường số lượng học sinh bị bệnh, nhà trường cần báo ngay cho trạm y tế và trung tâm y tế địa phương để xử lý.
Khi có trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không rõ lý do, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường phải chủ động liên hệ phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm hay không. Khi phát hiện có chùm ca bệnh tại trường, nhà trường tiếp tục theo dõi tình hình học sinh nghỉ bệnh hoặc có triệu chứng như cúm A/H1N1 và báo cáo về trạm y tế hằng ngày để theo dõi.
Ngoài các biện pháp trên, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Nhà trường cần phối hợp các đơn vị y tế tăng cường truyền thông về bệnh cúm A/H1N1 nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung. Đặc biệt, phụ huynh nên chủ động cho con đi tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin. Bởi, vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ bệnh nặng do bệnh truyền nhiễm gây ra. Phụ huynh chủ động đưa con đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ và phản hồi thông tin về nhà trường để quản lý, theo dõi.