Chàng trai người Dao giúp bản làng bừng sáng

Tại huyện Văn Yên (Yên Bái), anh Ðặng Văn Chính, dân tộc Dao được biết đến là người đầy nghị lực vượt khó, tiên phong khởi nghiệp, mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng giúp người dân thoát nghèo. Mới đây, dự án của Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu do anh làm chủ nhiệm đã xuất sắc lọt tốp 20 khởi nghiệp quốc gia năm 2022.
Anh Ðặng Văn Chính (thứ hai từ trái sang) là tấm gương tiêu biểu, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương.
Anh Ðặng Văn Chính (thứ hai từ trái sang) là tấm gương tiêu biểu, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương.

Kinh tế gia đình rất khó khăn, chỉ trông vào làm nương rẫy, mãi đến năm 10 tuổi, Ðặng Văn Chính mới được cắp sách đến trường. Với quyết tâm thoát nghèo, Chính nỗ lực vượt qua các bậc học. Sau khi tốt nghiệp ngành đào tạo lập trình viên của Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin Hà Nội, anh đã học và lấy thêm bằng đào tạo từ xa của Trường đại học Công nghệ thông tin - Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ có kiến thức, anh cùng các cộng sự lập Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ phần mềm ALFAT chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý tài chính kế toán ở Hà Nội.

Mong muốn được giúp ích cho quê hương, năm 2016, anh Chính cùng nhóm bạn thiện nguyện ở Hà Nội về giúp thanh niên khởi nghiệp tại xã Nà Hẩu của huyện Văn Yên, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn với hơn 4.000 nhân khẩu người đồng bào H’Mông. Tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên” do Huyện đoàn Văn Yên tổ chức, dự án khởi nghiệp của nhóm anh đoạt giải nhì. Nhờ đó, tháng 5/2019, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được thành lập, mà các thành viên là thanh niên, hộ gia đình người H’Mông ở Nà Hẩu. Ðến nay, hợp tác xã có 14 thành viên và người lao động với mức thu nhập ổn định 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhận thấy tiềm năng của du lịch cộng đồng, hợp tác xã cùng người dân tu sửa nhà sàn tạo thành homestay đủ tiêu chuẩn đón khách. Hiện Nà Hẩu có chín nhà sàn được cải tạo đủ điều kiện phục vụ khách. hợp tác xã đã chủ động tổ chức các tour tắm thác, trải nghiệm tham quan rừng già, trải nghiệm văn hóa H’Mông… cho du khách. Ngoài ra, Hợp tác xã còn triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm cho kết quả rất khả quan và nhân rộng được mô hình ra toàn xã. Nà Hẩu có 24 bể bạt nổi HPDE, một ao lót bạt và bốn bể xây bằng xi-măng cốt thép kiên cố, mỗi năm cho doanh thu gần hai tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương. Anh Chính chia sẻ: “Tại Nà Hẩu, mỗi gia đình có điều kiện thuận lợi, có thể nuôi một đến hai bể cá tầm, cho thu nhập đến 100 triệu đồng/năm”. Hợp tác xã đã kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng phương thức bán hàng online, đăng ký nhãn hiệu VietGAP cho thương hiệu cá tầm NaHau để tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Cùng với những hoạt động nêu trên, hợp tác xã cũng hoàn thành các tiêu chí và thủ tục để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái công nhận sản phẩm OCOP 4 sao “Ðiểm du lịch cộng đồng Bản Tát-Nà Hẩu”. Vậy là, Nà Hẩu đã chính thức có tên trong bản đồ du lịch vùng Tây Bắc. Mới đây, dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu” của Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã xuất sắc lọt tốp 20 khởi nghiệp quốc gia năm 2022 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nà Hẩu Lý Tòn Cầu bày tỏ, anh Chính luôn hướng về quê hương Văn Yên, đặc biệt là xã Nà Hẩu. Anh là tấm gương ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, luôn năng động, sáng tạo để tạo dựng sự nghiệp, đồng thời đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể như: Sẵn sàng kết nối các nguồn lực để hỗ trợ giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, quan tâm đến đời sống của các thành viên hợp tác xã, góp phần đưa Nà Hẩu trở thành xã nông thôn mới vào năm 2025.