Những tháng gần đây, nhiều vụ cây xanh gãy đổ đã xảy ra làm một số người chết và bị thương, gióng lên cảnh báo về công tác bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, nhất là khi có thiên tai, ảnh hưởng mưa bão...
Đáng lưu tâm là vụ cây xanh đè hai người đi tập thể dục dẫn đến tử vong tại Công viên Tao Đàn hồi tháng 8 làm dư luận lo lắng, vì trước đó những cây xanh ở khu vực này không có dấu hiệu cũ, mục, bọng khô nếu quan sát trực quan. Rồi các vụ tai nạn cây xanh “trên trời rơi xuống” gây thương tích thương vong cho những người lưu thông trên đường.
Sau các sự cố nêu trên, Công ty Công viên cây xanh đã cho cắt tỉa, đốn hạ những cây có dấu hiệu mục ruỗng, sâu bệnh. Đơn vị quản lý cũng dùng nhiều thiết bị, kể cả dùng flycam hỗ trợ kiểm tra tình trạng cây; lập tổ gồm kỹ sư, chuyên gia lâu năm, công nhân lành nghề để kịp thời đánh giá rủi ro xử lý cây hư hại, nhưng thật sự chưa ghi nhận hết khiếm khuyết của cây.
Mới đây, Công ty Công viên cây xanh tổ chức lớp học với sự tham gia của các chuyên gia Singapore nhằm cập nhật kiến thức, hoàn thiện tiêu chí để đánh giá rủi ro và sẽ có định hướng quản lý cây cổ thụ quý trên địa bàn thành phố. Các chuyên gia đề xuất, cây nào cần bảo tồn thì có quy trình chăm sóc đặc biệt, cây nào tuổi thọ quá cao cần có quyết định mạnh dạn xử lý thay thế, trồng mới.
Ngoài ra phải xem lại cách tỉa cành tạo tán sao cho phù hợp. Khóa huấn luyện còn giúp nâng cao chuyên môn cho nhân viên quản lý, chăm sóc cây trồng của thành phố. Tham vấn ý kiến chuyên gia về cây xanh và đô thị, đơn vị quản lý cây xanh thành phố cho rằng: Thành phố cần quy hoạch bảo tồn cây cổ thụ.
Những tuyến đường có cây cổ thụ phải chăm sóc đặc biệt, những tuyến khác không mang tính chất bảo tồn thì nên nghiên cứu thay đổi sao cho phù hợp nhất. Thực tế ở các nước hầu hết cây cổ thụ thường “tọa lạc” trong công viên, các khu công viên sinh thái, ít trồng trên đường phố như ở Việt Nam.
Về công tác quản lý và bảo dưỡng cây xanh, năm 2024, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát, kiểm tra và thay thế 3.425 cây xanh thuộc địa bàn quản lý được ghi nhận, đánh giá có tình trạng hư hại, khiếm khuyết (sam, mục, bọng, chết khô, nghiêng nhớm gốc,...) nhằm bảo đảm an toàn, mỹ quan cho đường phố, phòng tránh, hạn chế sự cố cây xanh xảy ra đặc biệt trong mùa mưa bão, giông lốc.
Trong đó, số cây xanh có kích thước loại 3 (cây cổ thụ, cây có kích thước lớn) được xử lý thay thế là 225 cây. Đến tháng 10/2024, thành phố đã trồng mới và cải tạo được 38.117/30.000 cây xanh, vượt chỉ tiêu 127%; trồng thử nghiệm 15 loài cây mới tại một số vị trí, trong đó có một số loài cây phù hợp với không gian, vỉa hè hẹp.
Thành phố cũng đã ban hành các hướng dẫn chuyên ngành như hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cây xanh; hướng dẫn lựa chọn và trồng cây xanh đường phố; hướng dẫn ứng xử khi cây xanh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của công trình; sổ tay hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh để các cơ quan quản lý có cơ sở chăm sóc, bảo tồn cây xanh, gìn giữ lá phổi xanh của thành phố.