Đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có đời sống văn học, nghệ thuật sôi động. Bên cạnh một số tác phẩm thu hút đông đảo công chúng, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả, độc giả. Điều này không chỉ làm cho công chúng bị thiệt thòi mà còn gây ra sự lãng phí không nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Vở kịch “Lỡ nhớ lầm thương” của sân khấu Thế giới trẻ, một vở diễn được khán giả trẻ yêu thích thời gian qua.
Vở kịch “Lỡ nhớ lầm thương” của sân khấu Thế giới trẻ, một vở diễn được khán giả trẻ yêu thích thời gian qua.

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt trưng bày không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng. Đây có thể được xem là một trong những sự kiện mỹ thuật nổi bật nhất của thành phố năm 2024. Với những tác phẩm độc đáo của họa sĩ Lê Bá Đảng được trưng bày cố định, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố có cơ hội thu hút nhiều du khách, công chúng đến tham quan, thưởng thức nghệ thuật khi nơi đây ngày càng có nhiều bộ sưu tập giá trị. Bên cạnh đó, đời sống mỹ thuật thành phố thời gian qua vẫn diễn ra sôi nổi khi triển lãm tranh cá nhân, tập thể của các họa sĩ liên tục được ra mắt tại không gian triển lãm của Hội Mỹ thuật thành phố, hay các bảo tàng, phòng trưng bày tư nhân.

Không chỉ riêng mỹ thuật, đời sống sân khấu, âm nhạc, múa… vẫn tạo được sức hút nhất định đối với công chúng. Liên hoan sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 đang diễn ra đầy hào hứng tại các nhà hát trong thành phố. Khác với nhiều liên hoan trước đây, hầu hết vở tham dự liên hoan lần này đều đã ra mắt công chúng; trong đó, một số vở đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả với nhiều suất diễn.

Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng nhiều, nhất là trong các đợt liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, các chương trình lễ hội. Những sự kiện này thường thu hút rất đông đơn vị nghệ thuật tham gia. Dù các liên hoan được tổ chức liên tục, số huy chương mà nghệ sĩ, diễn viên được trao tặng sau mỗi đợt ngày càng nhiều nhưng hầu hết, các vở diễn đều không thể hoặc không trụ được khi rời khỏi liên hoan, lễ hội. Chưa kể, trong quá trình diễn ra liên hoan, khán giả đến xem cũng rất ít, khiến không khí của liên hoan, hội diễn trở nên kém sôi động.

Điều này cho thấy vẫn có “độ vênh” giữa cơ quan tổ chức, hội đồng nghệ thuật của các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp với khán giả; việc quảng bá, tuyên truyền cho các sự kiện vẫn còn hạn chế, theo lối cũ mà chưa tìm tòi những cách thức truyền thông hiện đại, phù hợp với công chúng ngày nay.

Do đó, để công chúng tiếp cận với các tác phẩm văn học nghệ thuật đòi hỏi việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật cần có sự đổi mới trong tiêu chí chấm giải, hình thức tổ chức và cả khâu tuyên truyền quảng bá cho các cuộc liên hoan nghệ thuật. Tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan phải thật sự được công chúng đón nhận chứ không chỉ là cơ hội cho nghệ sĩ sưu tầm huy chương nhằm chuẩn bị cho các đợt phong tặng danh hiệu sau này.

Đối với các chương trình lễ hội, ban tổ chức cần quan tâm đến những giá trị đích thực về tinh thần của lễ hội, để từ đó xác định được các giá trị văn hóa cơ bản, chủ yếu mà lễ hội cần phải truyền tải đến công chúng, cộng đồng từ đó đặt hàng cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm phù hợp với giá trị tinh thần đích thực của lễ hội và sự đón chờ của công chúng.