Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Chăm

Thời gian qua, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Chăm bảo tồn, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng như thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Dệt thổ cẩm ở làng Chăm Châu Phong.
Dệt thổ cẩm ở làng Chăm Châu Phong.

Tại An Giang, đồng bào Chăm sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện An Phú và ấp Phũm Soài (thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu). Từ lâu nay, nghề dệt thổ cẩm của làng Chăm đã nổi tiếng khắp nơi với các sản phẩm như: khăn đội đầu, mũ, túi xách... Tháng 12/2006, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ký Quyết định số 2547/QÐ-UBND thành lập Làng nghề thổ cẩm Châu Phong.

Ðể bảo tồn và phát triển làng nghề, từ năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ làng nghề để thay đổi công nghệ, máy móc, hỗ trợ tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Chẳng hạn Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ cho cơ sở dệt thổ cẩm Mohamad triển khai thực hiện đề án ứng dụng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trang phục lễ; đăng ký danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Trung tâm Khuyến công.

Ngoài hỗ trợ vốn, các hộ sản xuất của làng nghề còn được tạo điều kiện tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại trung tâm tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Ông Mohamad, chủ cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống ở làng Chăm Châu Phong cho biết, hơn 50 năm trước làng nghề dệt thổ cẩm rất nổi tiếng, sản phẩm cung ứng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Sau hai năm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, đến nay, làng Chăm đã trở lại đón du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, mua sắm, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động.

Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, chính quyền địa phương các cấp còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo chuyển biến khá cơ bản về kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào dân tộc Chăm. Ðầu năm 2022, cầu Châu Ðốc bắc qua sông Hậu nối thành phố Châu Ðốc và Tân Châu được khởi công xây dựng. Cùng với tuyến đường liên kết vùng, cầu Châu Ðốc khi hoàn thành sẽ kết nối các tỉnh nằm trên trục hành lang biên giới Tây Nam với nhau, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân vận chuyển hàng hóa thông nhanh hơn trước.

Trước mắt, Ủy ban nhân dân xã Châu Phong đang đề xuất xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa-thể thao cho đồng bào dân tộc Chăm, mở rộng nơi trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. Ðồng thời, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã cũng có điều kiện mở rộng, phát triển kinh doanh. Ngoài ra, xã Tân Châu có các sản phẩm du lịch sông nước là cơ sở để gắn kết với sản phẩm đặc trưng vùng như Làng nghề thổ cẩm Châu Phong.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân đã làm cho diện mạo xã Châu Phong có nhiều đổi thay tích cực, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội. Theo Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Phong Võ Thụy Ý Như, xã hiện có khoảng 1.061 hộ dân tộc Chăm sinh sống chủ yếu ở hai ấp: Phũm Soài và Châu Giang. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người Chăm cũng tích cực tham gia đóng góp các nguồn kinh phí để lắp đặt bóng đèn đường, xây dựng hạ tầng thiết yếu; sửa chữa, nâng cấp lộ nông thôn, cầu nông thôn; gắn camera an ninh; tích cực tham gia làm vệ sinh môi trường sạch đẹp, giải tỏa hành lang lộ giới...

Ngoài các chính sách của tỉnh An Giang và thị xã Tân Châu nhằm chăm lo đời sống cho đồng bào Chăm, xã Châu Phong cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Ủy ban nhân dân xã Châu Phong đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Tân Châu cho các hộ Chăm được vay vốn với tổng số tiền hơn sáu tỷ đồng để kinh doanh, buôn bán nhỏ, chăn nuôi, thêu may, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Việc học tập của con em người dân tộc Chăm luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trong đó có việc hỗ trợ vay vốn học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 100 triệu đồng. Hội Khuyến học của xã Châu Phong đã vận động và tổ chức cấp phát quà tiếp bước đến trường năm học 2022-2023 cho 105 học sinh thuộc diện hộ nghèo và hộ khó khăn.