ND- Hiện nay, trên đoạn đê sông Hồng, thuộc Ðông Trạch, xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) xuất hiện tràn lan cây trinh nữ dại (hay còn gọi là cây "xấu hổ").
Những bụi cây "xấu hổ" bò loằng ngoằng trên cả triền đê dài hàng cây số, chúng "cạnh tranh" quyết liệt với thảm cỏ bảo vệ thân đê (xem ảnh). Thời điểm này, cây "xấu hổ" đã kết thúc mùa nở hoa đang tạo thành những chùm quả dày đặc. Mỗi cây "xấu hổ" có từ vài chục đến hàng trăm chùm quả nhỏ xíu. Cây "xấu hổ" là loài thực vật có khả năng xâm thực rất lớn. Quả "xấu hổ" già rơi xuống đất hoặc theo gió phát tán ra chung quanh, tạo thành những bụi cây mới. Không chỉ mọc ở thân đê, cây "xấu hổ" còn lăm le tiến công cả vào những thửa ruộng và mảnh vườn của người dân ở gần đó. Chị Phạm Thị Mạnh, một người dân ở thôn Ðông Trạch chỉ tay vào đám "xấu hổ"đang cụp lá vào lúc nhập nhoạng tối, lo lắng: Ðoạn đê này, trước đây, chỉ có cỏ dại và cây muồng muồng, giờ cây "xấu hổ" không biết ở đâu đến phát triển nhanh như thổi.
Tuyến đê chạy qua thôn Ðông Trạch, xã Ngũ Hiệp là đoạn đê xung yếu của thành phố Hà Nội. Tại đây đã từng xuất hiện những vết đùn sủi ngay sát chân đê, do áp lực nước sông Hồng dâng cao. Ðể ngăn ngừa hiểm họa nứt, vỡ đê, các cơ quan chức năng đã cho xây dựng ở ven đê nhiều chiếc giếng giảm áp. Giờ đây, sự xuất hiện dày đặc của những bụi cây "xấu hổ" trên thân đê ở khu vực này đã ngăn chặn sự phát triển của thảm cỏ bảo vệ thân đê, đe dọa sự an toàn của cả khúc đê.
DƯƠNG KIM CÚC
Xử lý "rác thải" gia cầm
Dịp cuối năm, tình trạng vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp. Chỉ trong vài tháng trở lại đây, tại TP Móng Cái và các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, lực lượng chức năng đã bắt giữ tới hàng chục tấn gia cầm nhập lậu. Trong khi việc ngăn chặn buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm đã khó khăn, thì việc xử lý "rác thải" gia cầm này còn phức tạp hơn nhiều. Theo quy định, sau khi bắt giữ gia cầm nhập lậu, phải thành lập hội đồng tiêu hủy, bao gồm nhiều ngành liên quan để họp bàn, đưa ra hình thức xử lý, rồi dự trù kinh phí, chọn địa điểm... có khi mất hằng tháng trời. Và địa phương nào, ngành nào bắt giữ gia cầm nhập lậu, thì phải bỏ kinh phí tiêu hủy số gia cầm này. Mặc dù cũng theo quy định, kinh phí tiêu hủy gia cầm nhập lậu do đối tượng vi phạm chi trả, song trên thực tế không phải vụ việc nào cũng bắt giữ được người vi phạm. Ðã có nhiều vụ đối tượng "bỏ của chạy lấy người", vậy là lực lượng bắt giữ không biết lấy nguồn nào để chi trả cho việc tiêu hủy. Rồi việc tiêu hủy gia cầm nhập lậu cũng để lại những hậu quả không nhỏ. Việc chôn, hay đốt số lượng lớn gia cầm sẽ gây ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh; diện tích đất canh tác cũng bị thu hẹp do đào hố chôn gia cầm. Ðề nghị các ngành chức năng và các địa phương cần tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm việc xử lý "rác thải"gia cầm nhập lậu có hiệu quả.
CÔNG TIẾN