Các sở, ban, ngành và địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tranh thủ thời gian, sớm hồi phục sản xuất kinh doanh, tạo nhanh sinh kế cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu gây lũ lụt, sạt lở làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương. Thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước ước tính hơn 81 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 282 nghìn căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp; 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết cùng với hạ tầng sản xuất phục vụ chăn nuôi bị hư hỏng nặng.
Vệ sinh, phun khử trùng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. |
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng hàng đầu trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, là khu vực quan trọng tạo ra sinh kế bền vững, thu hút lượng lớn lao động.
Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản là hơn 6.180 tỷ đồng, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 30.000ha. Một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La nghề nuôi cá nước lạnh cũng bị thiệt hại nặng.
Tại hội nghị khôi phục sản xuất sau bão số 3, ngày 30/9 tại Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, bão số 3 và hoàn lưu đã làm chết hơn 15.000 con gia súc, gia cầm và hơn 300ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, gần 2.000m3 lồng bè nuôi thủy sản bị hư hỏng.
Tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), cơn bão đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp tại một số xã với gần 800ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp và gần 5.600 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại về nông nghiệp của huyện Lương Sơn khoảng 25 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 28/9, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy báo cáo, tỉnh bị thiệt hại về tài sản khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó lâm nghiệp, thủy sản và trồng trọt bị thiệt hại hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm 55 % tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Đến nay có khoảng hơn 17.500 khách hàng với tổng dư nợ bị thiệt hại ảnh hưởng là khoảng 46.425 tỷ đồng và dư nợ thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết, tổng thiệt hại của địa phương này tới nay là 12.300 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp thiệt hại 5.000 tỷ đồng. Thành ủy Hà Nội thông báo, thành phố Hà Nội bị thiệt hại do bão số 3 khoảng gần 2.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Người dân thành phố Hải Phòng thả tôm giống cho vụ nuôi trồng mới. |
Chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Tân An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) Ngô Hùng Dũng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang bị khan hiếm vốn và nguồn lao động chất lượng cao, trong khi mùa đông đang đến gần.
Hiện công ty của ông muốn thuê nhân công với giá từ 2-2,5 triệu đồng/ngày cũng rất khó. Nếu không có vốn và nhân công để tái sản xuất ngay, thì rủi ro thiệt hại với ngành nuôi trồng thủy sản sẽ rất lớn vì thời tiết lạnh, thủy sản chậm phát triển, dễ nhiễm bệnh.
Ông Ngô Hùng Dũng kiến nghị, cơ quan chức năng cần nhanh chóng hỗ trợ cho nhân dân; đưa nhanh các đối tượng nuôi ngắn ngày cho nhân dân để tạo sinh kế sớm nhất.
Khẩn trương giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách
Để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân, ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 100/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất vừa qua: tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương (ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực hợp pháp khác) để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.
Thành ủy Hà Nội đồng ý chủ trương để thành phố triển khai trích ngân sách khoảng 2.346 tỷ đồng cho các chương trình hỗ trợ sau bão. Tỉnh Quảng Ninh đã dành khoảng 1.000 tỷ đồng và thành phố Hải Phòng đã bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục thiệt hại cơn bão số 3.
Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi hỗ trợ, UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài chính để xử lý ứng trước kinh phí cho địa phương để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó rà soát đối tượng, phạm vi, hình thức hỗ trợ, quy trình thủ tục và mức hỗ trợ nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra và khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách, bảo đảm phù hợp khả năng cân đối ngân sách, trình Chính phủ trong tháng 10/2024.
Liên quan Nghị định 02/2017/NĐ-CP, mới đây, thành phố Hải Phòng kiến nghị sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị nâng mức hỗ trợ và mở rộng theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng để khôi phục sản xuất, kinh doanh; giảm hoặc lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội…
Về việc sớm khôi phục sản xuất trong chăn nuôi và thủy sản để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho trước, trong và sau Tết, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, phục hồi sản xuất là yếu tố quan trọng nhất đối với nông nghiệp hiện nay. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư. Bộ tin tưởng sẽ sớm phục hồi sản xuất, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để bảo đảm nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu.
Để ngành chăn nuôi khôi phục sản xuất thành công, hiệu quả sau bão, lũ, Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, Cục đã chỉ đạo, hướng dẫn việc thống kê thiệt hại về chăn nuôi để làm cơ sở cho hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Xây dựng kế hoạch và kinh phí để hỗ trợ cho người chăn nuôi gia cầm bị thiệt hại; trong đó, ưu tiên các đối tượng chính sách, thiệt hại lớn thông qua cấp phát vật tư; cung cấp con giống, thức ăn ban đầu, để khôi phục sản xuất từ ngân sách nhà nước.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi; có kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; gia cố chuồng trại để phục hồi và phát triển sản xuất phù hợp điều kiện địa phương. Các địa phương xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn giống vật nuôi, có phương án tiếp nhận con giống cung cấp cho người chăn nuôi khi được hỗ trợ con giống.
Cục Thú y đã có những cảnh báo cho các địa phương hướng dẫn hộ chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm an toàn sinh học, nguồn nước, thức ăn, môi trường, không chủ quan bởi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp với số tiền ủng hộ cho lĩnh vực chăn nuôi khoảng 90 tỷ đồng.
Nhằm chung tay hỗ trợ, khôi phục sản xuất sau bão, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã kêu gọi một số đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai 5.985 lít hóa chất, ước tổng giá trị 950 triệu đồng. Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cũng đã phân bổ 15.635 lít hóa chất, chế phẩm sinh học và một số thuốc bổ cho vật nuôi cho trạm thú y các địa phương để khử trùng môi trường chăn nuôi, khôi phục sản xuất sau mưa bão và thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.
Để ngành nuôi trồng thủy sản sớm khôi phục sản xuất, Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân đề nghị các địa phương tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, bảo đảm người dân khôi phục sản xuất sớm. Địa phương kết nối các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Cán bộ chuyên môn tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.
Về lâu dài, Cục trưởng Thủy sản cho rằng, địa phương cần rà soát lại các vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại. Các tỉnh, thành phố tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín. Đặc biệt kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường.
Cục Thủy sản liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm lồng bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Tính đến ngày 25/9, các doanh nghiệp, công ty đã ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền và các vật tư sản xuất với số tiền tương đương hơn 90 tỷ đồng.
Về phía ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký và triển khai gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi bão lũ. Đơn cử, BIDV triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão, với tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng có mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/9 đến hết ngày 31/12/2024.
Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả từ nay tới đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2024.