"Lấy ngắn nuôi dài", khôi phục sản xuất

Từ ý kiến, kinh nghiệm sản xuất của người dân vùng lũ và ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương, sau khi cơn lũ quét đi qua, đến nay Điện Biên đã cơ bản thống nhất với giải pháp hỗ trợ người dân vùng lũ quét ở xã biên giới Mường Pồn (huyện Điện Biên) khôi phục sản xuất theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài" để từng bước ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên kiểm tra thực địa, chỉ đạo hỗ trợ người dân xã Mường Pồn khôi phục sản xuất.
Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên kiểm tra thực địa, chỉ đạo hỗ trợ người dân xã Mường Pồn khôi phục sản xuất.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng nổi tiếng là "bờ xôi ruộng mật" của người dân xã Mường Pồn, đồng chí Quàng Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên chỉ tay về lớp bùn đá chất đống mấp mô, buồn bã nói: "Tất cả có hơn 282 ha ruộng, đất màu, lúa ruộng, lúa nương của người dân giờ thành bãi sỏi đá. Trong số đó, có 66,5 ha ruộng lúa bị đất, đá rải mặt sâu hàng mét không thể khắc phục; 48,5 ha ruộng lúa bị ảnh hưởng một phần… Với người dân thuần nông ở nơi đây, mất ruộng là mất hết…!".

Cung cấp thông tin chi tiết về thiệt hại do lũ quét xảy ra vào đêm 24 rạng sáng 25/7 ở xã Mường Pồn, đồng chí Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Lũ quét làm bảy người chết, mất tích; gần chục người bị thương.

Riêng thiệt hại về tài sản lên đến 175 tỷ đồng gồm: 86 ngôi nhà của người dân sáu bản và điểm dân cư Huổi Ké bị hỏng, trôi; ba công trình thủy lợi, năm công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng hoàn toàn... Về ruộng, đất sản xuất, đất nương bị thiệt hại hơn 282 ha; trong đó thiệt hại nặng nề nhất là các bản: Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, bản Lĩnh, Tin Tốc…

Đánh giá riêng thiệt hại về đất sản xuất ở Mường Pồn, đồng chí Chu Văn Bách cho rằng, thiệt hại rất nặng nề bởi người dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Khơ Mú, H’Mông) sống nhờ lúa ruộng, sản xuất nông nghiệp cho nên thiệt hại sau lũ quét đã phá hoàn toàn tư liệu sản xuất chính. Sau lũ, rất nhiều gia đình lâm cảnh không nhà, không ruộng...

Để hỗ trợ người dân vùng lũ lấy lại tinh thần, sớm ổn định cuộc sống, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã chỉ đạo xã Mường Pồn khẩn trương hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm; đồng thời rà soát, lập danh sách đánh giá mức độ thiệt hại của từng gia đình để lập phương án hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp nhu cầu.

Hiện tại, huyện Điện Biên hỗ trợ gạo trong thời gian ba tháng cho 339 nhân khẩu ở sáu bản để ổn định đời sống. Riêng về sản xuất, Điện Biên xác định cần có thời gian vì liên quan thời vụ, thời gian cải tạo đất, cho nên cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động góp sức cải tạo đất ruộng, đất nương và chuyển đổi cây trồng (trước mắt ưu tiên trồng các loại cây họ đậu, cây ngô, lạc) thì cán bộ huyện cùng cán bộ xã Mường Pồn cũng vận động, hướng dẫn người dân chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan) để chủ động thực phẩm. Mục tiêu trước mắt là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ này, người dân chuẩn bị được một phần lương thực và thực phẩm bằng trồng trọt, chăn nuôi.

Tính đến nay, Ủy ban nhân dân xã Mường Pồn đã hoàn thiện danh sách 571 gia đình bị thiệt hại sản xuất nông nghiệp đề nghị huyện hỗ trợ sản xuất theo Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, với tổng kinh phí hỗ trợ là 866 triệu đồng.

Riêng 159 hộ dân thuộc các bản: Mường Pồn 1, bản Lĩnh, Tin Tốc bị thiệt hại nặng mà hiện chưa thể cải tạo đất sản xuất thì Ủy ban nhân dân xã Mường Pồn đã tổ chức họp dân, thống nhất đề nghị hỗ trợ con giống (gà) cùng thuốc, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin phòng bệnh cho gà để các gia đình thực hiện mô hình.

Trực tiếp kiểm tra hiện trường khắc phục lũ quét ở Mường Pồn vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp, hỗ trợ huyện Điện Biên xây dựng, hoàn thiện phương án sản xuất, cải tạo đất sản xuất bị bồi lấp.

Với các diện tích không thể khắc phục, huyện Điện Biên phải chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng để người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; ưu tiên lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sản xuất cho người dân.