Hiện tại các địa phương cùng lực lượng chức năng, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đang nỗ lực khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bão số 3 và mưa lũ đã làm hơn ba triệu con gia súc, gia cầm bị chết (chủ yếu là gia cầm), tập trung ở một số địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội, Thái Nguyên… Hạ tầng sản xuất phục vụ ngành chăn nuôi, bao gồm chuồng trại, máy móc, nhà xưởng, công cụ sản xuất... cũng bị thiệt hại nặng.
Tại tỉnh Thái Nguyên, theo thống kê chưa đầy đủ, số lợn, gia cầm, thủy cầm bị cuốn trôi khoảng 302.000 con; vật tư chăn nuôi, chuồng trại hư hỏng, thiệt hại ước tính là gần 35 tỷ đồng. Nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi trang trại ở những vùng trũng thấp, số lượng gia cầm, thủy cầm bị lũ cuốn trôi khá lớn, cho nên chưa thể khôi phục, tái đàn trong trước mắt.
Ở Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Trần Sỹ Tiến cho biết, bão, mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 6.000 con gia súc, gần 269.000 con gia cầm. Nhiều chuồng nuôi bị tốc mái, sập chuồng, nhiều khu vực bị mất điện cục bộ, bị ngập úng do nước lũ dâng cao. Ngay sau khi nước rút, các hợp tác xã, hộ chăn nuôi đã khẩn trương dọn cây bị gãy đổ, tu sửa chuồng trại, thiết bị chăn nuôi và vệ sinh môi trường...
Anh Nguyễn Đức Lập, Giám đốc Hợp tác xã gia cầm Minh Hải (ở thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, một cơ sở chuyên sản xuất gà giống, quy mô 50.000 con, chủ yếu là gà bố mẹ nhập khẩu) cho biết: “Chưa bao giờ thấy nước sông Cà Lồ dâng cao như vậy, lũ lên nhanh khiến toàn bộ 4 chuồng nuôi gà Ai Cập của hợp tác xã bị ngập nước. Hơn 10.000 con gà giống bố mẹ; chuồng trại, nhiều máy ấp trứng, máy phát điện... cũng bị ngập, bị hư hỏng, thiệt hại ước tính hơn 5 tỷ đồng. Bây giờ trông chờ vào đàn gà còn lại, ngay khi nước rút, được cấp điện, hợp tác xã đã huy động nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả.
Song phải có thời gian mới hồi phục được tốc độ sinh trưởng của đàn gà, vì vậy sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến công suất, tiến độ giao con giống cho các trại chăn nuôi”. Anh Cấn Văn Thủy, chủ trại nuôi 30.000 con gà đẻ trứng ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai chia sẻ thêm: Thời điểm bão số 3 đổ bộ, nước ngập quanh trang trại khoảng 30 cm; sau khi lũ về, nước ngập thêm 15 cm, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở xáo trộn nhiều. Nếu trước khi bão về, mỗi ngày bình quân trại xuất bán được 16.000 quả trứng thì khi nước ngập chỉ xuất khoảng hơn 14.000 quả.
Qua khảo sát, chỉ đạo công tác khôi phục sản xuất, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng nhận định: Thiệt hại ngành chăn nuôi chủ yếu là khu vực chủ trang trại, gia trại tự đầu tư; các nông hộ nhỏ lẻ, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, chăn nuôi vẫn là chính.
Cục đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có kế hoạch phòng chống bão, triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ gia súc, gia cầm sau bão, mưa lũ. Hiện tại người chăn nuôi bị thiệt hại mong muốn khắc phục cơ sở hạ tầng chăn nuôi, xử lý môi trường, được hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi; nhất là được thụ hưởng chính sách về tín dụng, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Nhà nước để sớm sản xuất trở lại.
Để hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ.
Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, sau bão, mưa lũ là nguy cơ dịch bệnh vì các loại mầm bệnh tồn tại trong môi trường và đàn vật nuôi rất nhiều, có khả năng sẽ phát tán và lây lan. Do vậy, Cục đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo và yêu cầu tất cả lực lượng, các cấp hỗ trợ cho người dân các biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đồng thời, tiến hành rà soát tiêm phòng ngay cho đàn vật nuôi.
Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin, thuốc thú y không được phép tăng giá, thậm chí cần có cơ chế giảm giá để đồng hành cùng người dân. Có mặt tại trang trại nuôi gà mía, quy mô gần 10.000 con của bà Cấn Thị Quy (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vào sáng 17/9, anh Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phúc Thọ cho biết: Ngay sau khi dọn cây bị gãy đổ, chúng tôi đã cử nhân viên phối hợp với hộ chăn nuôi phun thuốc tiêu độc khử trùng chung quanh trang trại, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện giúp người dân tiếp tục sản xuất.
Tại tỉnh Thái Nguyên, thông tin thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vũ Đức Hảo cho biết, tỉnh đang triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2024, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin đợt 2/2024 cho đàn vật nuôi, cố gắng hoàn thành trong tháng 10/2024.
Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo, sau bão, mưa lũ, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến khiến sức khỏe vật nuôi giảm sút.
Do vậy, người dân tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm. Người chăn nuôi nên lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định để sớm tái đàn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng chia sẻ thêm, ngành chức năng đang tập trung xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại các nông hộ, trang trại, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hiện nay thành phố đã đồng ý về việc hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị chết, tạo điều kiện giúp họ tái sản xuất, bù đắp số lượng vật nuôi bị thiệt hại nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thành phố trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, thông qua Cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ các chủ thể tham gia chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại bởi bão, mưa lũ bằng tiền, con giống, thuốc thú y phòng bệnh, hóa chất tiêu độc khử trùng để vệ sinh chuồng trại, môi trường..., với số tiền gần 170 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đang nỗ lực phục hồi, duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới.