Biển hiệu tại văn phòng của một đối tượng lừa đảo ở thành phố Cần Thơ.
Biển hiệu tại văn phòng của một đối tượng lừa đảo ở thành phố Cần Thơ.

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thời gian vừa qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ lừa đảo qua việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động). Dù các phương tiện thông tin đại chúng đã không ít lần cảnh báo về các thủ đoạn này nhưng nhiều người vì chủ quan, không tìm hiểu thông tin đã sập bẫy kẻ xấu...

Bằng các chiêu trò dụ dỗ như làm thủ tục nhanh gọn, không phải học tiếng nước ngoài, không cần thạo nghề,... các đối tượng đã lừa đảo rất nhiều người.

Nhiều chiêu trò

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ đang điều tra vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Trần Thị Ngọc Nương (sinh năm 2000, trú huyện Vĩnh Thạnh) thực hiện.

Cơ quan chức năng xác định, đầu năm 2023, Nương thuê căn nhà tại quận Thốt Nốt và sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo đăng tải thông tin tuyển người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời vụ tại Hàn Quốc. Ai có nhu cầu thì liên hệ rồi đến trực tiếp cơ sở của Nương để ký làm hợp đồng.

Sau khi nhận tiền của các bị hại, Nương không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt luôn. Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2023 đến tháng 9/2024, Nương lừa 132 bị hại với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Tương tự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang điều tra vụ án hình sự đối với Vũ Hải Long (sinh năm 1987, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) về việc nhận tiền của người lao động làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 4/2019, Long thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ lao động Việt Nam. Công ty của Long không được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp phép đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; không hợp tác với đơn vị nào có chức năng đưa người đi đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài.

Tuy nhiên, Long vẫn giới thiệu chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các ngành, nghề, thỏa thuận với các cộng tác viên, cam kết, hứa hẹn thời hạn đi lao động tại nước ngoài để chiếm đoạt số tiền 431 triệu đồng của 14 người.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ lừa đảo đưa người đi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng diễn ra trong thời gian vừa qua.

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ảnh 1
Một đối tượng lừa đảo người muốn đi lao động tại nước ngoài bị Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện, trên các trang web, mạng xã hội như Facebook, Zalo…, nhiều công ty, cá nhân đăng các thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc tại một số nước với các ngành/nghề xây dựng, cơ khí, đầu bếp…

Các bài viết giới thiệu sẽ đưa người đi lao động nước ngoài với những mức lương hằng tháng lên đến hàng chục triệu đồng cùng thủ tục vô cùng đơn giản. Thậm chí, có thông tin đăng tuyển còn cho biết không cần phải có tay nghề, khi đặt cọc một số tiền nhất định sẽ được đào tạo tay nghề miễn phí.

Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc với các công ty, cá nhân đó qua điện thoại, tin nhắn đề nghị cung cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì các công ty, cá nhân này không cung cấp được hoặc tìm cớ thoái thác.

Một số người chuyên tư vấn về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho biết, các hình thức lừa đảo của các đối tượng đều là chiêu trò cũ, nhưng vẫn có rất nhiều người "sập bẫy" do không tìm hiểu kỹ cũng như thiếu trang bị cho mình kiến thức, quy định pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhiều người lao động đến từ các vùng quê ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cho nên thông tin, kiến thức còn hạn chế.

Nắm bắt được tâm lý của người lao động thường muốn xuất cảnh nhanh cho nên nhiều đối tượng còn có thủ đoạn hứa hẹn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sớm hơn, công việc nhẹ nhàng, lương cao để thu thêm phí.

Nhưng thực tế, để được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động phải mất nhiều tháng để học tiếng. Dù nộp thêm tiền thì cũng phải theo đúng quy trình của các chương trình như chương trình thực tập sinh, chương trình EPS.

Các đối tượng còn lợi dụng các mối quan hệ quen biết với người địa phương nhằm tạo niềm tin cho người lao động, thông qua đó, các đối tượng này sẽ hướng dẫn, xây dựng những người địa phương trên trở thành cộng tác viên để dẫn dụ, nhận hồ sơ, thu tiền thay và chia “hoa hồng” theo thỏa thuận...

Cần hết sức cảnh giác

Trước thực trạng lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng diễn ra ngày một nhiều, các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra thông báo cảnh báo.

Vừa qua, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phát đi cảnh báo về thông tin giả mạo, lừa đảo người lao động đi nước ngoài làm việc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc).

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ảnh 2

Với những công ty xuất khẩu uy tín, người lao động sẽ được đào tạo về tay nghề, học tiếng trước khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo cảnh báo, các đối tượng thường mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo trang web giả mạo, hoặc cung cấp giấy tờ giả. Một số đối tượng còn tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ tại các địa phương, hứa hẹn việc làm tại nước ngoài với mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt.

Người lao động sau khi nộp tiền môi giới, chi phí hồ sơ sẽ không thể liên lạc lại với đối tượng lừa đảo hoặc được đưa sang nước ngoài với công việc, thu nhập khác xa so với lời hứa ban đầu.

Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ về các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng qua các nguồn chính thống, như các cơ quan chính phủ, đại sứ quán hoặc các tổ chức có uy tín.

Tuyệt đối không tin vào các quảng cáo hay lời mời hứa hẹn hấp dẫn, nhưng thiếu cơ sở pháp lý; kiểm tra danh tính của các tổ chức, xác minh thông qua các trang web chính thức của cơ quan chức năng.

Chỉ tham gia các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các công ty được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp phép. Tuyệt đối không nộp bất kỳ khoản tiền nào trước khi ký kết hợp đồng lao động rõ ràng với các điều khoản về công việc, thu nhập, chi phí cụ thể.

Theo luật sư Phạm Việt Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Hưng và Cộng sự (Hà Nội), để tránh bị lừa, người có nhu cầu cần tìm hiểu kỹ giấy phép hoạt động của công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, việc công ty có trụ sở, địa chỉ rõ ràng, thông tin liên hệ, cơ sở vật chất, hồ sơ giấy tờ cũng như việc tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cũng là yếu tố để cân nhắc.

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ảnh 3

Một đối tượng lừa đảo đưa người đi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khởi tố, bắt giam.

Cần đọc kỹ hợp đồng để bảo đảm hiểu rõ tất cả các khoản, mục và nắm được các nội dung cơ bản. Khi đóng bất kỳ khoản phí nào cũng phải có biên lai đầy đủ, ghi chính xác số tiền đã đóng và phải giữ cẩn thận tất cả giấy tờ này để tránh các rủi ro sau này.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng, hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời...

back to top