Giấc mơ “bay” không có thật
Tháng 9/2022, qua các trang mạng xã hội, anh Dương Xuân Hào, ở Thanh Hà, Hải Dương biết được Công ty Magnet hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động. Anh Hào liên hệ đến số điện thoại đăng trên bài quảng cáo, được nhân viên của công ty cho biết, đang tuyển lao động sang Đức làm đầu bếp cho nhà hàng người Việt, lương cơ bản 60 triệu đồng/tháng, tổng chi phí thực hiện hợp đồng là 350 triệu đồng, trong bốn tháng sẽ được xuất cảnh.
Ngày 22/9/2022, anh Hào đến Văn phòng Công ty Magnet tại địa chỉ: Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, số 1, Ngõ 4 Dương Khuê, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, ký hợp đồng đặt cọc và nộp 30 triệu đồng để làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Đức theo chương trình đầu bếp đặc sản. Người tư vấn, ký kết hợp đồng đặt cọc và nhận tiền là anh Nguyễn Đức Trung, nhân viên của công ty. Một tháng sau, anh Hào được Công ty Magnet cho đi “đào tạo nghề bếp” tại Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Trung ương, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
“Công ty nói là chúng tôi được đào tạo cấp chứng chỉ nghề bếp, nhưng thực chất chương trình học chỉ kéo dài hai tuần, hướng dẫn nấu mấy món ăn đơn giản, cắt tỉa hoa từ củ, quả, kiến thức rất sơ sài và không được cấp chứng chỉ” - anh Hào cho biết.
Kết thúc “khóa đào tạo”, Công ty Magnet yêu cầu anh Hào nộp 80 triệu đồng để làm các thủ tục xuất cảnh. Ngày 1/11/2022, anh Hào nộp tiếp 80 triệu đồng cho Công ty Magnet. “Học xong, công ty hứa hẹn sau một tháng sẽ hoàn thiện hồ sơ để bay. Nhưng đến nay đã hơn một năm, tôi vẫn chưa được xuất cảnh. Nhiều lần, tôi hỏi vì sao như vậy, thì nhân viên công ty trả lời qua quýt là hồ sơ bị trục trặc, còn giám đốc công ty thì né tránh” - anh Hào nói.
Giống như anh Hào, anh Hoàng Công Huỳnh ở Đông Anh, Hà Nội và anh Đỗ Văn Nguyên ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh biết đến chương trình đưa người đi làm đầu bếp tại Đức của Công ty Magnet qua thông tin quảng cáo trên Facebook, Zalo. Tháng 9/2022, anh Huỳnh và anh Nguyên đến văn phòng giao dịch của công ty tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam. “Nhân viên Công ty Magnet gửi cho chúng tôi nhiều hình ảnh các học viên đã xuất cảnh để khẳng định Công ty Magnet hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện việc đưa người đi xuất khẩu lao động tại Đức. Công ty còn cam kết tỷ lệ đậu visa là 100%, trong vòng 60 ngày nếu không xử lý được sẽ hoàn trả 100% số tiền cọc” - anh Nguyên cho biết.
Tin tưởng những lời quảng cáo, giới thiệu và cam kết, hai anh Nguyên và Huỳnh đã ký hợp đồng đặt cọc với Công ty Magnet và nộp tổng số tiền 110 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, cả hai anh vẫn chưa được làm thủ tục, hồ sơ đi lao động tại Đức như những gì công ty cam kết.
“Tôi đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin yêu cầu Giám đốc Lê Đức Hạnh và nhân viên Công ty Magnet hoàn trả tiền nhưng họ trốn tránh, không chịu gặp, cố tình đưa ra các lý do để thoái thác trách nhiệm” - anh Huỳnh chia sẻ.
Đến nay, Báo Nhân Dân đã nhận được gần mười đơn phản ánh của người lao động tại Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… về việc Công ty Magnet đã thu tiền của các cá nhân, với tổng số tiền gần một tỷ đồng nhưng không thực hiện đúng cam kết đưa người lao động đi làm việc tại Đức. Trong số này, có anh Trần Minh Kiệt quê ở tỉnh Vĩnh Long đã vượt cả nghìn cây số ra Hà Nội, thuê nhà ở để chờ đợi được xuất cảnh, nhưng nhiều tháng qua, anh vẫn không thể “bay”.
Trong đơn, bạn đọc cho biết, từ tháng 7/2023, họ đã có đơn trình báo và tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đề nghị xác minh, làm rõ việc làm kể trên của Công ty Magnet do có dấu hiệu chiếm đoạt tiền của các lao động. Tuy nhiên, đến nay, những hành vi của các cá nhân nêu trên vẫn chưa được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, xem xét, xử lý.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Sau khi nhận được đơn phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác minh thông tin. Kết quả xác minh cho thấy những thông tin bạn đọc phản ánh là có cơ sở. Mặc dù không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhưng thời gian qua, Công ty Magnet do ông Lê Đức Hạnh làm giám đốc đã thu tiền của nhiều người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Đức, với tổng số tiền hàng tỷ đồng nhưng không thực hiện đúng cam kết. Để có tiền nộp cho công ty, nhiều người đã phải vay tiền của người thân, bạn bè, đến nay không có khả năng trả nợ.
Việc công ty tổ chức “khóa đào tạo” tại Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Trung ương (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thực chất chỉ làm một số buổi hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản do một giảng viên của nhà trường nhận dạy thuê cho Công ty Magnet. Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Trung ương không ký hợp đồng giảng dạy, đào tạo, dạy nghề nấu ăn với công ty này.
Trả lời công văn đề nghị xác minh, làm rõ thông tin của Báo Nhân Dân, tại Văn bản số 1987/QLLĐNN-PCTTr (ngày 15/11/2023), Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Magnet (Công ty Magnet) không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp. Trong năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được đơn của hai công dân phản ánh về việc Công ty Magnet thu tiền không đúng quy định khi làm thủ tục, hồ sơ cho người lao động đi làm việc tại Đức. Cục đã chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 9/6/2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy về việc đề nghị cung cấp thông tin liên quan Công ty Magnet để phục vụ công tác điều tra. Cùng ngày, Cục đã có công văn trả lời về việc doanh nghiệp nêu trên không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp.
Trao đổi với phóng viên, điều tra viên Trần Phú Lâm, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Cầu Giấy cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã tiến hành các biện pháp điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của Lê Đức Hạnh. Quá trình điều tra, thu thập phải có sự phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của các ban, ngành liên quan. Đến nay, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC đã hết nhưng một số cơ quan liên quan chưa cung cấp kết quả các thông tin, tài liệu. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đang tạm đình chỉ vụ việc theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy tiếp tục đôn đốc các ban, ngành có liên quan cung cấp tài liệu. Khi đủ căn cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy sẽ phục hồi điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù, Công ty Magnet không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc ở nước ngoài và đang có nhiều đơn thư tố giác của người lao động, nhưng hiện nay trên website của công ty (https://www.magnetco.ltd) vẫn công khai quảng cáo công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn du học, xuất khẩu lao động, cung ứng nhân lực đi các nước. Nội dung các thông tin quảng cáo rất hấp dẫn như: “Chương trình đầu bếp Đức: Làm đầu bếp, phụ bếp tại các nhà hàng ở Đức của người Việt hay người Việt gốc Đức. Thu nhập cao từ 70 triệu-90 triệu VND/tháng. Thời gian xuất cảnh nhanh: 2-4 tháng. Có cơ hội định cư lâu dài ở Đức…”. Ngoài “Chương trình đầu bếp Đức”, Công ty Magnet còn quảng cáo thực hiện các chương trình đi học tập và làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Những thông tin quảng cáo kể trên còn xuất hiện trên nhiều trang Facebook cá nhân của nhân viên, cộng tác viên công ty.
Theo luật sư Đào Nguyên Thuật, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, việc Công ty Magnet không có chức năng, không có giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động nhưng vẫn thực hiện giao dịch, ký kết hợp đồng với khách hàng, thu tiền và không thực hiện cam kết là có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra hoạt động của Công ty Magnet, qua đó bảo vệ quyền lợi của người dân ■