Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động

Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tỉnh Hậu Giang quan tâm thực hiện và đạt kết quả khá tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn cho người lao động có nhu cầu xuất khẩu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hậu Giang.
Tư vấn cho người lao động có nhu cầu xuất khẩu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hậu Giang.

Tuy vậy, số lượng người đi xuất khẩu lao động chưa đạt như mong muốn so với nhu cầu thực tế.

Ông Đoàn Văn Vinh ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có người con trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản vào năm 2021. Đến năm 2023, sau khi kết thúc hợp đồng, con ông nhận thấy thích nghi tốt với môi trường làm việc ở Nhật Bản cho nên tiếp tục xin gia hạn và được chấp thuận làm việc thêm 5 năm.

Ông Vinh cho hay, trước khi cho con đi xuất khẩu lao động, gia đình ông đã tìm hiểu kỹ chủ trương của tỉnh về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ tỉnh làm “cầu nối” an toàn cho xuất khẩu lao động cho nên ông Vinh mạnh dạn cho con tham gia. “Tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành giới thiệu rộng rãi hơn nữa các chính sách về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nhiều người cùng tham gia, bảo đảm an toàn, hiệu quả”, ông Đoàn Văn Vinh nói.

Hai người con của ông Nguyễn Văn Nhiễu ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cũng được chính quyền địa phương giới thiệu tham gia sàn giao dịch việc làm, do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức và chọn đi làm việc ở Nhật Bản.

Ông Nhiễu phấn khởi chia sẻ: “Hiện, các con tôi đã lao động ở Nhật Bản được gần một năm, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng. Phần tiền gửi về, tôi mở sổ tiết kiệm tích lũy để khi các con quay về quê hương có vốn làm ăn. Tôi luôn động viên các con cố gắng học hỏi để sau này trở về phát huy, cống hiến cho quê hương…”.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, năm 2023 tỉnh đã tổ chức thẩm định và ký kết hợp tác với 25 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với các thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Các doanh nghiệp tham gia tuyển lao động ở Hậu Giang tuân thủ đúng cam kết với người lao động, giới thiệu người lao động với các nghiệp đoàn uy tín, có đơn hàng tốt để đưa lao động đi làm việc đạt hiệu quả cao.

Sở Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang cũng kịp thời hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Hội đồng nhân dân tỉnh và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 712 lao động với số tiền hơn 54 tỷ đồng.

Tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, đã tổ chức đưa hơn 100 lao động Hậu Giang sang làm việc thời vụ tại huyện Cheowon. Các chính sách hỗ trợ đã làm “cầu nối” giúp hơn 650 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 119% so với kế hoạch đề ra; trong đó, thị trường Nhật Bản là 339 người (mức thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/tháng); thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 68 người (thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/tháng); thị trường Hàn Quốc là 244 người (thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/tháng). Với mức thu nhập như nêu trên, số tiền của những lao động này chuyển về Hậu Giang trong năm 2023 ước đạt hơn 160 tỷ đồng...

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác đưa người lao động làm việc ở nước ngoài của Hậu Giang vẫn còn nhiều thách thức. Nhu cầu đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc hiện nay khá lớn nhưng chưa có nhiều đối tác để phối hợp cung ứng lao động. Đây là “cơ hội” để một số đối tượng lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Chúc Phương (quốc tịch Hàn Quốc) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối tượng nêu trên sinh ra, lớn lên tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, sau đó lấy chồng Hàn Quốc, sang quê chồng làm nông nghiệp và môi giới, giới thiệu việc làm. Gần đây, đối tượng Phương về Việt Nam và thường xuyên lui tới địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Qua các mối quan hệ, Phương hướng dẫn một số đối tượng khác cách tư vấn, nhận hồ sơ, nhận tiền của những người có nhu cầu lao động thời vụ tại Hàn Quốc với mức lương 40-50 triệu đồng/tháng.

Trong đó, Phương thu chi phí trọn gói mỗi trường hợp thấp nhất là 35 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, hồ sơ của người lao động, Phương không thực hiện đúng lời hứa mà “vẽ” ra nhiều khoản chi phí để yêu cầu họ đóng thêm hàng chục triệu đồng. Bức xúc, nhiều người dân đã làm đơn tố cáo Phương đến cơ quan Công an.

Vợ chồng bà T.T.T.T ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang là một trong những bị hại, kể lại, do điều kiện gia đình khó khăn muốn đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn.

Thấy Phương là người Việt có chồng Hàn Quốc, hứa hẹn đủ điều cho nên tin tưởng. Để có đủ số tiền hơn 230 triệu đồng lo thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, ngoài số tiền tích cóp lâu nay, vợ chồng bà phải đi vay thêm bên ngoài. Đợi gần một năm, vợ chồng bà mới biết mình bị lừa.

“Bây giờ, việc làm đâu không thấy, chỉ thấy đã lâm vào cảnh nợ nần. Vợ chồng tôi chỉ mong lấy lại số tiền để trả nợ, nếu không, chẳng biết làm sao”, bà T.T.T.T buồn rầu nói.

Theo Trung tá Lê Quốc Hội, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang, hiện đã có hơn 150 bị hại đến tố cáo đối tượng Phương với số tiền chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài đã bị rơi vào “bẫy” lừa đảo, với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.

Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu, thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Đây là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực xuất khẩu lao động diễn ra nhiều năm dù các cơ quan chức năng đã không ít lần lên tiếng cảnh báo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ và hướng nghiệp người lao động, làm “cầu nối” an toàn cho xuất khẩu lao động; định kỳ hằng năm tổ chức rà soát, thẩm định, bổ sung những doanh nghiệp có uy tín, đủ năng lực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tích cực tìm kiếm thị trường tiềm năng để mở rộng hợp tác.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động đến các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các điểm trường nhằm giúp học sinh, sinh viên tiếp cận trực tiếp với thông tin chính thức, chính thống về thị trường lao động và doanh nghiệp tuyển dụng...