Cần quy định phù hợp để quản lý hoạt động quảng cáo

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng lên qua các năm.
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2019, có 5.497 doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo trên địa bàn thành phố. Ngoài ra có 13 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có chi nhánh đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên có hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo tại Sở Văn hóa và Thể thao.

Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được khống chế, nền kinh tế đang dần ổn định, nhu cầu quảng cáo của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bắt đầu tăng dần. Tính từ ngày 1/1/2022 đến tháng 12/2022, có hơn 3.660 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn được Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận và xử lý (tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Cùng với số lượng lớn các sản phẩm quảng cáo xuất hiện thì không ít các nội dung quảng cáo đập vào mắt người đi đường, với những cụm từ “tự xưng” để ca ngợi về sản phẩm/dịch vụ, chẳng hạn như “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”, trong khi việc này là sai luật định.

Một số nơi tuyên truyền, cổ động chính trị trở thành quảng cáo thương mại. Các cơ quan chức năng cũng thống kê các lỗi vi phạm chủ yếu hay mắc phải của các đơn vị tham gia quảng cáo như: Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn; không ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu.

Không chỉ vậy, qua ghi nhận thực tế các trụ quảng cáo không bảo đảm khoảng cách theo quy định trong hành lang an toàn giao thông, quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo...

Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã triển khai thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu, bảng quảng cáo, hộp đèn; kiểm tra các băng-rôn, bảng quảng cáo sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả, các đơn vị đã xử lý 129 vụ vi phạm với số tiền gần hai tỷ đồng trong năm 2022.

Trong thời gian này, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao cũng lập Đoàn kiểm tra chuyên ngành quảng cáo tiến hành kiểm tra 96 cơ sở kinh doanh quảng cáo ngoài trời, viết đặt biển hiệu trên địa bàn thành phố; ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, buộc tháo dỡ 144 bảng quảng cáo vi phạm.

Bất cập hiện nay của hoạt động quảng cáo phần nhiều do thiếu một “nhạc trưởng” điều hành và chế tài xử lý vì thực tế hoạt động quảng cáo của thành phố “chia năm, xẻ bảy” tùy theo tính chất lĩnh vực. Từ đó dẫn đến công tác quản lý chưa tập trung, thiếu sự rà soát, thậm chí còn thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Đơn cử việc quản lý hoạt động, nội dung quảng cáo trên địa bàn thành phố được giao cho Sở Văn hóa và Thể thao.

Riêng quảng cáo ngoài trời, nếu lắp đặt trên phạm vi hành lang an toàn giao thông do Sở Giao thông vận tải quản lý; việc treo băng-rôn trên trụ đèn chiếu sáng đô thị lại do Sở Xây dựng quản lý...

Gần 10 năm, kể từ khi thành phố ban hành Chỉ thị số 25 (ngày 19/9/2014) về tăng cường công tác quản lý về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố cho thấy, trên thực tế đã phát sinh không ít bất cập.

Do đó, thành phố cần có hướng tháo gỡ, điều chỉnh bằng những quy định cụ thể, phù hợp hơn để công tác quản lý được đồng bộ, thống nhất, mang lại hiệu quả về mọi mặt. Để hoạt động quảng cáo từng bước đi vào nền nếp, tạo tính công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tạo ra nguồn thu hiệu quả cho Nhà nước, việc trước mắt các sở, ngành chức năng tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng quản lý hoạt động quảng cáo, những bất cập cần khắc phục...