Cần đánh giá, nghiên cứu kỹ về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra yêu cầu “có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân lắp đặt thiết bị thông tin tại Nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). (Ảnh ANH SƠN)
Công nhân lắp đặt thiết bị thông tin tại Nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). (Ảnh ANH SƠN)

Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, thời gian qua, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì và soạn thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần…

Tại buổi họp báo thông tin kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội chín tháng năm 2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chia sẻ về một số điểm mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhất là các phương án xây dựng luật nhằm hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết, từ năm 2016 đến nay, cả nước có gần năm triệu lượt người rút bảo hiểm xã hội một lần, trong đó 99% số người nhận dưới diện nghỉ việc sau 12 tháng không đóng tiếp bảo hiểm xã hội...

Các phân tích cho thấy, gần 70% số người rút bảo hiểm xã hội một lần có thời gian đóng ngắn dưới 5 năm. Ðáng chú ý, những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi và tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động quyết định (ngoài Nhà nước). “Do đó, nếu không có biện pháp điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội”.

Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Nguyễn Duy Cường

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Theo đó: Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

Trên cơ sở đó, về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất hai phương án và phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án.

Về phương án 1: Người tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực không được nhận bảo hiểm xã hội một lần sau 12 tháng nghỉ việc, trừ một số trường hợp luật định (ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo…). Với phương án 1 sẽ chia thành hai nhóm, nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực và nhóm tham gia khi luật có hiệu lực (dự kiến năm 2025). Trong đó, nhóm tham gia trước khi luật hiệu lực vẫn được nhận bảo hiểm xã hội một lần sau 12 tháng nghỉ việc, tức bảo lưu quy định hiện hành cho nhóm này.

Trường hợp không nhận chế độ này, người lao động vẫn được hưởng quyền lợi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu, trợ cấp hưu trí, nếu không đủ điều kiện nhận lương, quyền lợi vay tín dụng khi mất việc. Trường hợp người lao động đã nhận bảo hiểm xã hội một lần không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên. Ưu điểm của phương án này là khắc phục từng bước tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ðối với phương án này, trong những năm đầu, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, nhưng giảm dần từng năm, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần so với giai đoạn vừa qua, tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

“Phương án này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, sẽ ít khả năng gặp phản ứng. Tuy nhiên, do vẫn áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội một lần với hơn 17,5 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội cho nên số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều. Có thể tạo sự so sánh giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi luật có hiệu lực về chế độ bảo hiểm xã hội một lần”, ông Nguyễn Duy Cường phân tích.

Về phương án 2: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội”.

Với phương án này, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người nhận bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia); người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn; người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu…

Phương án này vừa đáp ứng nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn. Tuy nhiên, có nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần, đặc biệt khi người lao động còn trẻ. Người lao động không được rút hết tiền đã đóng bảo hiểm xã hội cho nên có cảm giác bị giảm quyền lợi.

Ngoài ra, có thể gia tăng tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trước khi luật có hiệu lực (hưởng “chạy luật”). “Khi người lao động đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung (có lương hưu với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, vay tín dụng khi nghỉ việc…)”, ông Cường phân tích.

Có thể thấy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trên cơ sở đánh giá các ưu, nhược điểm của hai phương án, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật sẽ phối hợp các bộ, ngành tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động cũng như ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung này, để tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét về Dự thảo Luật nói chung và vấn đề bảo hiểm xã hội một lần nói riêng.