Thống nhất thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm để hưởng lương hưu

Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như: Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...
0:00 / 0:00
0:00
Lao động làm việc tại doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. (Ảnh: MINH HÀ)
Lao động làm việc tại doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. (Ảnh: MINH HÀ)

Ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 7 năm 2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Nghị quyết nêu rõ, ngày 26/7/2023, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 về chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ quyết nghị nội dung về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cụ thể như sau:

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đánh giá dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực và khoa học trong việc tổ chức xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội nên có thể đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội.

Nội dung dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong điều kiện mới, khắc phục nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật theo hướng:

Thứ nhất, thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo hiểm xã hội; tiếp tục tổng kết quy định pháp luật liên quan và tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, đánh giá đầy đủ cơ sở lý luận và căn cứ để xác định các vấn đề cần kế thừa, các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện hoặc các vấn đề cần bãi bỏ; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng tác động, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật...

Thứ hai, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội nên có thể đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội. Trong đó, cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu quy định các biện pháp thiết thực hỗ trợ, khuyến khích người lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Thứ ba, về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội cần tổng hợp hai phương án để xin ý kiến Quốc hội, trong đó thể hiện rõ về phương án được lựa chọn, xác định tổng mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội cụ thể của mỗi phương án trên cơ sở đánh giá đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế.

Thứ tư, thống nhất về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bổ sung thêm chính sách, tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, thể hiện chủ trương không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, hướng tới đạt mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Chính phủ giao Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc..

Tính đến hết tháng 6/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước là 17,48 triệu lao động, tăng 662 nghìn người, tương đương mức tăng khoảng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, giúp nâng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,29 triệu người, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho khoảng 37 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, phối hợp ngành lao động-thương binh và xã hội giải quyết cho gần 500 nghìn người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Tính đến hết tháng 6/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước là 17,48 triệu lao động, tăng 662 nghìn người, tương đương mức tăng khoảng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.