Cần Giờ khai thác tiềm năng, phát triển du lịch

Huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái kết hợp tâm linh. Tuy nhiên, hiện nay, ngành du lịch của Cần Giờ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của mình.

Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ.
Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ.

Với hơn 13 km đường biển, hệ thống sông ngòi, nhất là rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam là những điểm du lịch sinh thái để du khách trải nghiệm khi tới Cần Giờ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia chiến khu Rừng Sác; lễ hội truyền thống của ngư dân Cần Giờ là di sản phi vật thể quốc gia; các làng nghề truyền thống của người dân như nghề muối, các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, nuôi chim yến…, cũng là những điểm dừng chân lý thú cho khách du lịch.

Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên và sự nỗ lực của các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương, du lịch Cần Giờ đã đạt được một số kết quả nhất định. Giai đoạn 2011 -
2016, Cần Giờ đã thu hút hơn 3,4 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm; tổng doanh thu đạt hơn 1.125 tỷ đồng (bình quân 188 tỷ đồng/năm). Riêng năm 2017, du lịch ở Cần Giờ có bước phát triển đáng kể, khách du lịch đến trong năm đạt 1,55 triệu lượt (tăng 54% so với năm 2016), doanh thu du lịch đạt gần 621 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú và các dịch vụ đạt hơn 186 tỷ đồng.

Theo quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ đến năm 2020, huyện sẽ phát triển ba phân khu chức năng chính, gồm: Khu du lịch sinh thái biển tập trung tại các điểm ven biển Cần Thạnh - Long Hòa, xã đảo Thạnh An, núi Giồng Chùa; khu du lịch sinh thái rừng (diện tích 42 nghìn ha) thuộc các xã Long Hòa, An Thới Ðông và Lý Nhơn; khu du lịch sinh thái nông nghiệp thuộc các xã Bình Khánh, An Thới Ðông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn.

Thời gian qua, mặc dù huyện đã có nhiều hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư trong và ngoài nước, nhưng rào cản về giao thông khiến du lịch Cần Giờ chưa thể "cất cánh". Hạ tầng dịch vụ du lịch còn quá thiếu, phát triển không đồng bộ, manh mún, sản phẩm du lịch nghèo nàn, một số dự án phát triển du lịch đã phê duyệt triển khai chậm.

Anh Nguyễn Hoàng Long (quận Thủ Ðức), dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua đã thuê xe ô-tô đưa cả gia đình về Cần Giờ vui chơi. Anh Long cho biết: "Xuống đây, chúng tôi được thưởng thức các loại hải sản tươi ngon và giá rẻ hơn rất nhiều so với các điểm du lịch khác ở thành phố. Tuy nhiên, từ nhà tôi xuống thị trấn Cần Thạnh khoảng 70 km nhưng phải di chuyển mất hơn hai tiếng đồng hồ. Khi trở về gặp đúng giờ cao điểm cho nên thời gian chờ phà Bình Khánh mất thêm 30 phút. Di chuyển từ huyện Nhà Bè về tới nhà chưa đầy 30 km cũng mất hơn 1 giờ 30 phút, ngốn hết thời gian vui chơi. Ðến với Cần Giờ, ngoài đi tắm biển, đi thăm các địa điểm sinh thái, di tích ra thì hầu như không có điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng thực chất. Gia đình tôi phải về nhà sớm hơn dự định hai ngày".

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, để du lịch trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, huyện đã và đang phối hợp Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch, đề án phát triển du lịch. UBND huyện Cần Giờ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin và các tiện ích công cộng, phát triển sản phẩm du lịch.

Từ nay đến năm 2020, huyện Cần Giờ phấn đấu mỗi năm đón 1,6 triệu khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 800 tỷ đồng/năm. Ðể hỗ trợ Cần Giờ, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và bàn giao cho huyện quản lý năm bến thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch, gồm: Bến Tắc Xuất - Cần Thạnh; bến Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ; bến Trạm Văn phòng phân khu 1; bến Trạm Văn phòng phân khu 2 và bến khu di tích rạch Giồng Chùa. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị lập phương án, kêu gọi nhà đầu tư dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh vượt sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và là một trong những điều kiện hết sức quan trọng đánh thức tiềm năng du lịch Cần Giờ trong tương lai.