Cần giải pháp tổng thể ứng phó lũ rừng ngang

Do ảnh hưởng bão số 2, những ngày qua trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục xảy ra mưa lớn diện rộng. Đáng chú ý, do chịu ảnh hưởng trực tiếp lũ rừng ngang, mực nước sông dâng cao, gây ngập lụt diện rộng tại nhiều huyện ngoại thành, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều khu dân cư tại huyện Chương Mỹ bị ngập sâu.
Nhiều khu dân cư tại huyện Chương Mỹ bị ngập sâu.

Anh Nguyễn Văn Thọ, ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho biết, chỉ sau một đêm nước lũ tràn về, ngôi nhà anh đã bị ngập, nước lên đến ngang bụng khiến mọi sinh hoạt của gia đình đảo lộn. Vợ anh phải bồng bế con nhỏ sơ tán ở nhà người thân. Không chỉ có nhà anh Thọ, 30 hộ dân khác trong xóm cũng bị ngập sâu hơn 1m. Cả xóm bị cô lập giữa biển nước mênh mông, không có điện, nước sinh hoạt. Mỗi gia đình chỉ có một người đàn ông ở lại trông coi tài sản, vật nuôi. Anh Thọ cho biết thêm, sống trong vùng lũ từ nhỏ, vài năm gần đây, lũ rừng ngang đổ về làm nước sông dâng cao rất nhanh khiến nhiều người không kịp trở tay. Nhiều đồ đạc không kịp kê cao, vật nuôi không kịp chạy lũ.

Theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, nhất là nước lũ rừng ngang đổ về, mực nước tại sông Bùi đến 11 giờ ngày 26/7 là 7,36m, vượt mức báo động số III 0,36m, làm ngập hơn 6.640m đường đê thuộc địa bàn 13 xã, hơn 56.000m đường giao thông nông thôn; 32 thôn, xóm với hơn 1.300 hộ dân.

Còn tại địa bàn huyện Quốc Oai, mưa lớn cộng với lũ rừng ngang cũng gây ngập úng nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hư hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân. Nhiều tuyến đê bị sạt lở, nước tràn qua mặt đê. Nhiều cây cầu bị ngập sâu, gây chia cắt các thôn, xóm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.

Sau nhiều ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa nhỏ rải rác, mực nước trên sông Tích tại trạm thủy văn Kim Quan (huyện Thạch Thất), trạm thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai), sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) vẫn duy trì ở trên mức báo động III. Dự báo trong những ngày tới, mực nước sông Tích, sông Bùi tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khả năng dâng cao, gây ngập lụt diện rộng.

Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã đề nghị các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tập trung triển khai các giải pháp ứng phó mưa lũ, ngập lụt. Các địa phương cần kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu; có biện pháp ngăn chặn, cấm người và phương tiện tham gia giao thông qua lại.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các khu vực thường xuyên bị ngập úng nằm trong khu vực chậm lũ của thành phố. Do biến đổi khí hậu, những năm gần đây tình trạng úng ngập tại khu vực này phức tạp hơn, nhất là chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang, gồm cả triền núi dài khoảng 15 km thuộc tỉnh Hòa Bình. Khi có mưa lớn, lũ chảy dốc xuống theo đường mòn Hồ Chí Minh, đổ về Hà Nội trong thời gian rất ngắn, được tiêu thoát vào sông Bùi, rồi chảy vào sông Đáy. Trong những thời điểm mưa cục bộ thì việc tiêu thoát lũ nhanh, nhưng khi có mưa kéo dài trên diện rộng, mực nước các sông đều dâng cao thì việc tiêu thoát lũ rất chậm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để bảo đảm ổn định cuộc sống người dân vùng chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang, thành phố đang tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Đáy từ Hà Nội đến Hà Nam; giải tỏa các vi phạm dọc hành lang sông và nâng cấp các tuyến đê. Bên cạnh đó, thành phố đang nghiên cứu giải pháp đầu tư về hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để tăng sinh kế nhằm nâng cao mức sống cho một bộ phận người dân tiếp tục “sống chung” với lũ.

Mới đây, tại buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả úng ngập tại huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng đề án ứng phó tổng thể cho khu vực chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang.