Cần bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở thế sống động

Cồng chiêng là di sản chung của cả vùng Đông Nam Á. Indonesia có đàn Gamelan gồm hàng trăm cái chiêng cồng. Cư dân các đảo của Philippines cũng sử dụng cồng chiêng. Tuy nhiên, theo nhà dân tộc học-âm nhạc, Giáo sư Jose Marceda (Philippines): “Có một nền văn hóa cồng chiêng Đông Nam Á cổ đại trong đó Tây Nguyên và Trường Sơn là nơi còn giữ được những phẩm chất điển hình nhất của loại hình văn hóa này”.
0:00 / 0:00
0:00

Và bởi vậy, UNESCO đã công nhận “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “kiệt tác di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại”. Nhưng nhìn nhận thực tế, giá trị về văn hóa cồng chiêng đang mai một dần, vì thế cần phải có ý thức bảo tồn loại hình văn hóa này một cách khoa học và phù hợp.

Tuy là thành tố của các hoạt động văn hóa và tâm linh trước đây, nhưng mỗi bài cồng chiêng còn là một tác phẩm âm nhạc dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Theo các chuyên gia, cồng chiêng có thể tồn tại và được bảo tồn, phát huy trong những dạng sau đây:

Ở một số dân tộc, đồng bào vẫn duy trì một số nghi lễ lớn như ăn trâu, bỏ mả, cưới xin, tang ma. Đây là môi trường văn hóa cổ truyền của cồng chiêng cho nên việc giữ gìn hầu như không gặp khó khăn gì.

Ở những dân tộc không còn thực hành những nghi lễ cổ truyền nữa thì nhân dân sử dụng cồng chiêng trong các sinh hoạt ca nhạc. Đó là cách chúng ta có thể lưu giữ được. UNESCO cũng yêu cầu chúng ta giữ tác phẩm âm nhạc cồng chiêng nguyên dạng là chủ yếu. Họ cũng hiểu là không thể giữ mãi tục ăn trâu, bỏ mả, cưới xin, tang ma... được, nếu giữ được thì ít nhất phải giữ được nguyên dạng bản nhạc đó.

Chúng ta đã và đang không đứng nhìn sự mai một văn hóa cồng chiêng. Từ ngày cồng chiêng Tây Nguyên được nhận danh hiệu “kiệt tác”, tất cả chúng ta lại càng thấy có trách nhiệm nặng nề hơn. Một khi các cơ quan hữu trách, mọi người trong xã hội đã nhận thức được tầm quan trọng và giá trị đích thực của cồng chiêng thì cùng nhau chia sẻ trách nhiệm bảo vệ vốn di sản quý báu này. Tất nhiên, giữ gìn cồng chiêng là phải giữ ở thế sống động, chứ không phải chỉ trưng bày trong bảo tàng. Giữ cồng chiêng trong bảo tàng đã tốt nhưng văn hóa vốn là vật thể động.

Văn hóa không nằm im, như thế chưa phải là văn hóa đúng nghĩa, cho nên phải trình diễn, phải trao truyền lại vốn quý đó cho mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Muốn làm được điều đó, Nhà nước cần đầu tư, tổ chức sinh hoạt lễ hội thường xuyên, tổ chức các lớp tập huấn cồng chiêng ngay trong các buôn làng, động viên các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ, tổ chức các kỳ thi, kỳ liên hoan cồng chiêng...

Hiện tại, khó có thể khôi phục đời sống cồng chiêng như trước đây, nhưng giữ gìn và bảo tồn loại hình di sản này là một việc làm rất cần thiết. Cần phải làm cho người dân hiểu được giá trị quý báu của cồng chiêng, bảo vệ và khôi phục lại những sinh hoạt cộng đồng với sự tham gia của loại hình nhạc cụ độc đáo này.

Mỗi chúng ta, cần phải biết trân trọng những giá trị bản chất, nguyên gốc của cồng chiêng, chứ không phải là những giá trị đã được cải biên. Cần phải dừng ngay việc khuyến khích “cải tiến-nâng cao” cồng chiêng nhân danh “phát triển”, “hiện đại hóa”, “khoa học hóa” mà thực chất là đánh mất giá trị của cồng chiêng để thay vào đó một cái xa lạ với văn hóa dân tộc theo kiểu lai căng.