Nét duyên áo dài xứ Huế

Nghề may áo dài truyền thống Huế như là duyên, là nghiệp đối với anh Nguyễn Quốc Hòa, 56 tuổi, trú tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế). Được sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa áo dài, anh Hòa là truyền nhân của cha anh, Nguyễn Văn Song, một thợ may nổi tiếng ở vùng đất này.
0:00 / 0:00
0:00
Thợ may Nguyễn Quốc Hòa (bên phải) giúp khách hàng thử áo dài.
Thợ may Nguyễn Quốc Hòa (bên phải) giúp khách hàng thử áo dài.

Tình yêu đặc biệt với nét đẹp áo dài xưa càng ý nghĩa hơn khi mỗi ngày, từng chiếc áo dài truyền thống do bàn tay người thợ Nguyễn Quốc Hòa tạo ra vẫn được thế hệ hôm nay đón nhận.

Sinh thời, ông Song có thói quen làm nghề rất độc đáo. Từ 5 giờ sáng, ông đã dậy để bắt đầu may, đo. Và dường như, mọi bí quyết may áo dài của người cha đã đến với anh Hòa từ chính thời điểm vắng vẻ, thanh tịnh này.

“Học nghề may từ cha, tôi hiểu rằng chỉ khi đầu óc mình tập trung cao độ, không suy nghĩ nhiều thì đường kim, mũi chỉ sẽ đẹp nhất, tinh tế nhất. Trong gia đình, ông chọn truyền nghề cho tôi có lẽ do thấy tôi kỹ tính, điềm tĩnh. Hồi 22-23 tuổi, tôi không nghĩ sẽ theo được nghề đến hiện tại”, anh Hòa nói.

Hơn ba thập kỷ theo nghề may áo dài, anh Hòa luôn ghi nhớ lời cha dạy về cái nghề “làm dâu trăm họ” này. Mỗi chiếc áo được may ra không chỉ chứa đựng tay nghề, kỹ thuật điêu luyện của người thợ mà cần thể hiện rõ giá trị đạo đức.

“Đời sống kinh tế thay đổi theo từng thời kỳ, giai đoạn là tất yếu. Và khi đó, đạo đức con người được giữ vững sẽ định hình chiều sâu văn hóa. Chúng tôi làm nghề may áo dài truyền thống với quan điểm không bán sản phẩm “hai giá”. Bán chiếc áo cho một người Huế sẽ đúng bằng mức giá bán cho một du khách từ phương xa ghé đến. Đó là tâm nguyện cả đời làm nghề may của cha tôi”, anh Hòa cho biết.

Hiện tại, anh Hòa tiếp tục truyền nghề, hướng dẫn 20 chị em thợ cùng may áo dài truyền thống. Thực tế khi làm nghề này, việc người thợ tự đặt ra thử thách cho chính mình là điều cần có. Nhu cầu, sở thích về trang phục của khách hàng luôn biến đổi.

Có thể thấy rõ, điểm mạnh về văn hóa, trong đó có hình ảnh tà áo dài truyền thống Huế có được là từ sự chung sức bảo tồn của chính quyền và người dân. Gọi áo dài truyền thống Huế là tác phẩm nghệ thuật là bởi từ chi tiết nhỏ nhất như khuy áo cần được làm từ chính tấm vải gốc ban đầu cho đến các đường luồn chỉ tinh tế hai bên tà áo… Do đó, một trang phục đẹp thì không thể làm một cách sơ sài, đơn giản.

Giai đoạn từ thế kỷ 17-19, áo dài tứ thân chịu ảnh hưởng bởi nhiều quan niệm phong kiến đương thời. Điều này được thể hiện qua kiểu dáng áo rộng, mầu sắc đơn giản, các họa tiết trang trí trên áo hầu như không có.

Ngược lại, áo dài ngũ thân sẽ thể hiện sự giàu sang, địa vị xã hội của người phụ nữ; đồng thời là biểu tượng của ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. So với áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân có nhiều đổi mới, khác biệt về chất liệu vải, mầu sắc và họa tiết.

Đến thế kỷ 20, đây được xem là thời kỳ hưng thịnh của nghề may áo dài truyền thống Huế. Áo dài Lemur tồn tại trong giai đoạn 1939-1943. Áo Lemur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nổi sống bên dưới, cổ áo khoét hình trái tim.

Vai áo may bồng, tay nổi ở vai, khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Khoảng năm 1950, áo dài Raglant được ra đời. Các thợ may cùng thời với ông Nguyễn Văn Song đã khéo léo cắt dáng áo lượn theo thân người, việc sáng tạo này đánh dấu cột mốc ra đời của chiếc áo dài có eo. Theo đó, thân áo sau rộng hơn phía trước để chiếc áo ôm theo dáng người mặc.

Từ giai đoạn này, thân áo được thợ may cắt ngắn dần. Cổ áo bắt đầu cao lên trong khi phần gấu được hạ thấp xuống. Đến những năm cuối thế kỷ 20, áo dài hiện đại phát triển vượt bậc với hàng loạt mẫu thiết kế mới. Nghề may áo dài Huế phát triển, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những thợ may lành nghề.

Vùng đất Huế ngày càng phát triển, từ đó nhu cầu về trang phục áo dài của khách hàng thay đổi theo từng năm. Thợ may Nguyễn Quốc Hòa cho biết, vài năm gần đây, phụ nữ Huế nói chung và du khách khi đến Huế có sở thích chụp ảnh kỷ niệm tập thể với chiếc áo dài. Vải mầu vàng thường được chị em lựa chọn đặt may.

“Trong nửa đầu năm 2024, mầu hồng cánh sen là lựa chọn đầu tiên của khách hàng đặt may áo. Với áo dài, xu hướng mầu sắc sẽ thịnh hành theo từng giai đoạn ngắn. Người làm nghề may cần có cách nhìn, quan sát xã hội thật tinh tế để hiểu xu hướng của trang phục. Mốt áo dài ngũ thân đang quay trở lại. Tôi và các thợ may luôn tự luyện tay nghề, bảo đảm giữ đúng giá trị chiếc áo dài xưa”, ông Hòa bày tỏ.

Từng đường phấn vẽ tạo hình cho tấm vải, mũi kéo thoăn thoắt cắt vải thô cho đến khi ráp thành hình, hoàn thiện chiếc áo dài là một quá trình lao động đầy nghiêm túc. Cảm xúc thăng hoa nhất của người thợ sẽ là giây phút khách hàng mặc thử áo.

Cần một ngày dài để người thợ may xong chiếc áo ngũ thân. Hầu như mọi điều mệt mỏi, căng thẳng của ông Hòa đều tan biến khi khách hàng ưng ý. Bản sắc áo dài xứ Huế sẽ tiếp tục sống mãi trong thời đại mới.