Cải thiện môi trường đầu tư, nâng chất dòng vốn FDI

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch… để thu hút các dự án nước ngoài mang hàm lượng chất xám cao; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gắn bó lâu dài tại thành phố.
0:00 / 0:00
0:00

Thời gian qua, thành phố đã tập trung thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

Địa phương này đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định.

Cụ thể, về thủ tục cấp mới dự án, thời gian giảm còn 10 ngày so với 15 ngày theo quy định; điều chỉnh dự án còn bảy ngày so với 10 ngày; thông báo góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày. Ngoài ra, hằng năm, thành phố đều có những diễn đàn trao đổi với doanh nghiệp để lắng nghe, tiếp thu ý kiến; từ đó, có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Tại Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JCCH) vừa mới diễn ra, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết:

Trong ngắn và trung hạn, thành phố ưu tiên thu hút các dự án liên quan đến các lĩnh vực kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano; các dự án thuộc các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…, thành phố cũng ưu tiên thu hút đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh thu hút và có cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Trong dài hạn, thành phố ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Quan điểm của thành phố trong thu hút đầu tư các dự án mới phải bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa. Không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Thành phố ưu tiên thu hút các dự án thuộc các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA…); đồng thời, ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Để thực hiện được mục tiêu trong thu hút đầu tư, thành phố tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch; rà soát, đánh giá để cải cách, loại bỏ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Thành phố cũng đẩy mạnh sự sáng tạo, linh hoạt, quyết tâm, chủ động trong quá trình thực thi chính sách; tăng cường phối hợp cùng các cơ quan thực thi, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề... để xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng.

Thành phố hiện có 20 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 6.000 ha, là địa phương đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với khoảng 12.300 dự án đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn khoảng 57,25 tỷ USD.

Trong số này, Nhật Bản có 1.657 dự án đang hoạt động, chiếm 14% số dự án FDI trên địa bàn thành phố với tổng số vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ USD.

Theo ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiệp hội hiện có hơn 1.050 thành viên và có số lượng thành viên lớn thứ ba trong tổng số 100 hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài.

Trong 10 năm qua, số hội viên của hiệp hội đã tăng gấp đôi, thể hiện sức hút của thành phố đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.

Trong cuộc khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hoạt động mở thị trường nước ngoài do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, Việt Nam xếp thứ hai sau Hoa Kỳ trong danh sách các quốc gia và khu vực doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh trong tương lai với 90% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực đầu tháng 8 năm nay.

Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến điều này, vì Nghị quyết 98 tạo thêm điều kiện hỗ trợ sự phát triển năng động và tiên phong không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà cho cả Việt Nam.

(Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh)