Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI

Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và Ấn Ðộ đã không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên, nhất là ở lĩnh vực thương mại, thu hút đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng xem sản phẩm của các doanh nghiệp trưng bày tại showroom Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Khách hàng xem sản phẩm của các doanh nghiệp trưng bày tại showroom Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, năm 2022, tổng giá trị thương mại giữa Việt Nam-Ấn Ðộ đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Ðộ đạt 7,96 tỷ USD và nhập khẩu gần 7,1 tỷ USD. Ấn Ðộ hiện có hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn một tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10 năm nay, Ấn Ðộ đang có 237 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 130 triệu USD, đứng thứ 23 trong số 120 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào thành phố. Theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh và Ấn Ðộ còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường rộng lớn, hàng hóa hai nước có sự bổ sung tốt cho nhau. Hiện, Việt Nam và Ấn Ðộ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Ðầu tư giữa Việt Nam và Ấn Ðộ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Ðộ.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Hồ Thị Quyên cho biết: Những năm qua, thành phố và Ấn Ðộ đã không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ trên các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy tiềm năng hợp tác với các đối tác Ấn Ðộ còn rất lớn và mong muốn Ấn Ðộ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như thương mại, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục… Việt Nam và Ấn Ðộ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Ðầu tư giữa Việt Nam và Ấn Ðộ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Ðộ. Hai nước đang là đối tác chiến lược toàn diện, do đó còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác đầu tư kinh tế thương mại song phương trong thời gian tới.

Trong các chuyến xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Ấn Ðộ cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được nhiều nhà đầu tư tìm đến với mong muốn đầu tư kinh doanh lâu dài. Ðồng thời cho rằng, Ấn Ðộ có thế mạnh về phát triển công nghệ thông tin, dược phẩm, may mặc, có hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ số phát triển… và tầm nhìn dài hạn phát triển kinh tế-xã hội cho nên rất thuận lợi để các doanh nghiệp thành phố đến Ấn Ðộ đầu tư.

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Ðộ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Doanh nghiệp Ấn Ðộ và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội để hợp tác cùng phát triển. Ðồ gỗ, cà-phê… của Việt Nam đã có mặt và "phủ sóng" tại thị trường Ấn Ðộ, hy vọng thời gian tới có nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đến với Ấn Ðộ hơn nữa. Thị trường Ấn Ðộ rất lớn, có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng có tốc độ phát triển kinh tế cao, cùng với đó là lực lượng lao động trẻ, dồi dào, thuận lợi để mở rộng cơ hội hợp tác giữa hai bên.

Giới thiệu về tiềm năng và môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh, theo bà Hồ Thị Quyên, thành phố vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Ðây là yếu tố quan trọng tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế-xã hội của thành phố, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Ngoài ra, thành phố đã và đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Cụ thể, địa phương này đã cắt giảm 30% số thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Thời gian cấp mới dự án đầu tư còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn bảy ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày…

Cùng với đó, thành phố luôn tích cực đơn giản hóa và công khai quy trình đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý thủ tục đầu tư; giảm thời gian làm các thủ tục thuế, hải quan. Ðặc biệt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài luôn được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp được tổ chức định kỳ. Thành phố cũng đang áp dụng bốn hình thức ưu đãi chính cho nhà đầu tư nước ngoài: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…