Bưởi đường Soi Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao

NDO - Bưởi Soi Hà là giống bưởi đường đặc sản được tr ồng ở vùng đất Soi Hà thuộc xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang ) và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Do phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, cây bưởi đường cho quả to, múi mọng, vị thanh mát được nhiều người biết đến và đã trở thành thứ quả đặc sản của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Vườn bưởi đường Soi Hà được trồng theo quy trình VietGap
Vườn bưởi đường Soi Hà được trồng theo quy trình VietGap

Sau cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà là sản phẩm thứ hai của tỉnh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội lớn để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Khu vực địa lý của sản phẩm bao gồm các xã: Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực, Quý Quân, Tân Long, Kiến Thiết, Tân Tiến, Lang Quán và thị trấn Yên Sơn.

Cây bưởi đường giờ đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của nhiều hộ dân trong xã Xuân Vân. Gia đình ông Đỗ Khắc Thỏa, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn) có hơn 2ha bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGap bảo đảm độ sạch, độ an toàn và sản lượng tăng lên hằng năm. Bưởi sau khi thu hoạch được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường. Ông Thỏa cũng cho biết, giá trên thị trường của bưởi Soi Hà dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/quả, 1ha trồng bưởi cho thu hoạch khoảng 35 tấn quả, sau khi trừ hết các chi phí gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng/ha/vụ. So với trước đây, cũng trên diện tích đất đó, từ khi gia đình ông chuyển sang trồng bưởi đã cho hiệu quả kinh tế hơn trồng mía rất nhiều lần.

Ông Triệu Văn Tuyển, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân cho biết: “Để nâng cao chất lượng, sản lượng của cây bưởi, đặc biệt là giống bười đường Soi Hà, Hợp tác xã cũng tổ chức tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ về quy trình trồng, chăm sóc và bảo quản cho các hộ trồng bưởi trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm này trên các nền tảng số zalo, facebook, các sàn thương mại điện tử để quảng bá sâu rộng sản phẩm bưởi đến với người tiêu dùng cả nước”.

Bưởi đường Soi Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 1

Quảng bá, giới thiệu bưởi đường Soi Hà tại hội chợ thương mại

Năm 2017, Bưởi Soi Hà được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn vào Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Năm 2021, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đây là cơ hội để sản phẩm này tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn cho biết, trên địa bàn xã hiện có gần 900 ha trồng bưởi, trong đó, hơn 200 ha trồng giống bưởi đường Soi Hà. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan, phòng ban của huyện Yên Sơn đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng diện tích bưởi hiện có, không ồ ạt mở rộng diện tích.

Trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, xã định hướng cho người dân liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp, đưa sản phẩm bưởi vào siêu thị để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng bưởi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Sơn có hơn 4.000 ha trồng bưởi các loại, trong đó, có hơn 850 ha trồng bưởi đường, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Vân, Phúc Ninh, Lực Hành…

Theo ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn, huyện đã xây dựng kế hoạch để đưa sản phẩm bưởi lên sàn giao dịch điện tử. Khi đó, người sản xuất phải rất linh hoạt trong việc điều chỉnh mẫu mã, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Ðể nâng cao giá trị của cây bưởi, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn đã mở các hội nghị tập huấn khoa học - kỹ thuật cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào quy trình sản xuất, đáp ứng đúng tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm bưởi ra nước ngoài.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa giá trị, thương hiệu cho sản phẩm bưởi Soi Hà, cần có những giải pháp cụ thể để người nông dân tiếp cận chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, biến chuyển đổi số trở thành công cụ để sản xuất và kinh doanh hiệu quả.

Người trồng bưởi Soi Hà cần tập trung cơ cấu lại nghành nông nghiệp, chú trọng phát triển chế biến sâu, tăng chất lượng sản phẩm, hiệu năng, giảm thiểu tối đa chi phí, xây dựng thương hiệu theo hướng hiện đại, đổi mới trong từng công đoạn, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm bưởi đến với người tiêu dùng.