Biến đất hoang thành vườn nhãn tiền tỷ

Từ một vùng đồi đất hoang, chỉ có cây cỏ dại mọc tưởng chừng như vô giá trị, với quyết tâm áp dụng công nghệ, đưa giống mới vào trồng trọt, giờ đây đã được phủ xanh bằng những gốc nhãn Miền Thiết trĩu quả, cho thu lãi 1,6 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình câu chuyện biến đất hoang thành vườn nhãn bạc tỷ của bà Nguyễn Thị Duyên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã, đang được các hộ dân đến nghiên cứu, học tập, nhân rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi vụ nhãn, gia đình bà Nguyễn Thị Duyên thu lãi 1,6 tỷ đồng.
Mỗi vụ nhãn, gia đình bà Nguyễn Thị Duyên thu lãi 1,6 tỷ đồng.

Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Duyên ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, người đang sở hữu vườn nhãn rộng hơn 10 ha, vườn cây ăn quả có diện tích lớn nhất vùng biên giới Phiêng Khoài, ai cũng cảm thấy thán phục. Để có kết quả đó, bà Duyên đã cùng gia đình trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách để tìm hướng mở rộng, làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Duyên, kể lại: “Năm 1993, sau khi lập gia đình, chúng tôi từ quê nhà Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên vùng đất Lóng Phiêng khai hoang lập nghiệp. Thời điểm đó vùng đồi Pha Cúng này bạt ngàn những cây dại và cỏ lau. Gia đình tôi đã bàn bạc và đi đến quyết định khai hoang vùng đất cằn cỗi này để phát triển kinh tế. Những ngày đầu đã bắt đầu trồng nhãn, song chỉ là những giống nhãn cũ, nên hiệu quả kinh tế không cao...”.

Đến năm 2003, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, bà Nguyễn Thị Duyên đã mạnh dạn đưa giống nhãn Miền Thiết thay thế giống nhãn cũ do hiệu quả thấp. Đây là giống nhãn cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày. Chỉ sau ba năm, gia đình bà đã có thể thu hoạch và thu lời trong nhiều năm tiếp theo. Trung bình, mỗi vụ gia đình bà Duyên thu từ 100-120 tấn nhãn, trừ tất cả chi phí, thu lãi mỗi năm 1,6 tỷ đồng.

Theo kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Duyên, nhãn Miền Thiết ghép lên thân giống nhãn địa phương rất dễ chăm sóc, cây phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng. Từ lúc ghép mắt, ra hoa đậu quả chỉ khoảng ba năm là cho thu hoạch. Nhãn Miền Thiết được thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La ưa chuộng. Tuy nhiên, để bảo đảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, cần phải tiến hành thâm canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK, bón cho cây trồng.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Duyên, để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn nhãn phát triển tốt, gia đình đã đầu tư vốn lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tời tự động. Phương pháp này sẽ tiết kiệm nước, chống đất bị xói mòn và tiết kiệm được thời gian để thực hiện các công việc khác.

Trao đổi với ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, được biết: Yên Châu là huyện có diện tích nhãn đứng thứ ba toàn tỉnh với hơn 2.100 ha nhãn, sản lượng đạt hơn 15.000 tấn, điển hình như các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Phiêng Khoài và Chiềng Đông có diện tích trồng nhiều nhãn và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân tại các bản trong xã Lóng Phiêng không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm từ 3-5%, xuất hiện nhiều triệu phú là nông dân trồng cây ăn quả.

Trong lộ trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, huyện Yên Châu đang tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế, nhất là quan tâm chỉ đạo việc áp dụng quy trình trồng cây ăn quả an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và tăng giá trị nông sản, trong đó có cây nhãn ■